VinFast công bố bảng cơ cấu giá xe Lux A2.0, SA 2.0 và Fadil
Với mục tiêu “minh bạch thông tin trong mọi hoạt động”, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty VinFast vừa công bố cơ cấu giá thành xe Lux A2.0, SA 2.0 và Fadil, bao gồm chi phí sản xuất; chi phí bán hàng marketing; thuế phí.
Đại diện của VinFast lấy ví dụ là chiếc xe VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn để phân tích chi tiết về cơ cấu giá xe. Theo tính toán tài chính của VinFast, giá gốc của chiếc xe khi xuất xưởng là 980,6 triệu đồng. Trong đó: 783,7 triệu đồng là giá thành sản xuất, bao gồm chi phí nguyên vật liệu (640 triệu), chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu (59,2 triệu), chi phí sản xuất (54 triệu), chi phí bảo hành (5,9 triệu), chi phí quản lý sản xuất (24,6 triệu). Phần còn lại là chi phí lưu kho, vận chuyển, bán hàng, quản lý kinh doanh…
Tuy nhiên, để đến tay người tiêu dùng, VinFast Lux A2.0 phải chịu thêm 412,1 triệu tiền thuế, bao gồm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (285,5 triệu đồng - do động cơ Lux A2.0) và 10% thuế VAT (126,6 triệu đồng).
Như vậy, mức thuế cao đã đẩy giá xe khi đến tay người tiêu dùng lên mức 1,392 tỷ đồng. Đáng lưu ý, đây vẫn chỉ là mức giá “3 Không” (chưa tính chi phí khấu hao, không chi phí tài chính, không tính lãi).
“Với giá bán hiện tại, VinFast đang chấp nhận lỗ gần 300 triệu đồng/xe để khách hàng được mua xe Lux A2.0 phiên bản tiêu chuẩn với giá “3 Không” cộng ưu đãi là 1,099 tỷ đồng”, Phó Tổng Giám đốc Thường trực VinFast cho biết.
Tương tự cách tính với chiếc VinFast SA2.0, VinFast đang “tặng” khách hàng 169 triệu đồng, và 106 triệu đồng cho mỗi chiếc VinFast Fadil.
Nhìn vào cơ cấu giá xe VinFast mới công bố, có thể thấy thuế chiếm tỷ trọng rất cao trong giá mỗi chiếc xe. Lux SA2.0, Lux A2.0, Fadil chịu mức thuế lần lượt là 551,8 triệu đồng, 412,1 triệu đồng và 138,66 triệu đồng. Số tiền này nhà sản xuất chỉ là trung gian “thu hộ” nhà nước.
“Nếu mức thuế giảm bớt, thì giá bán xe sẽ tốt hơn rất nhiều”, đại diện VinFast nhận định.
Theo tính toán, để người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi từ chính sách “3 Không”, mỗi năm VinFast sẽ phải chịu khoảng 11.000 tỷ đồng chi phí khấu hao và chi phí tài chính đầu tư vào nhà máy, các khoản lãi vay đầu tư...
PV