THCL Đền Chân Suối, nơi thờ Quốc tổ mẫu Đào Liễu (mẹ đẻ của Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu) là một trong những ngôi đền cổ nhất Vĩnh Phúc đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đang chuẩn bị được tu bổ, tôn tạo.
Đền Chân Suối nơi thờ Quốc tổ mẫu Đào Liễu chuẩn bị được tu bổ, tôn tạo
Trải qua biến tích của lịch sử và thời gian, đền Chân Suối đã bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định số: 2082/QĐ-CT về việc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Chân Suối (xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo) nhằm bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa của di tích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.
Thời gian tu bổ, tôn tạo dự kiến trong vòng 2 năm (2016 - 2017). Tổng mức đầu tư khoảng gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình của đền Chân Suối sẽ được thực hiện trên nguyên tắc gìn giữ, bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, phù hợp kiến trúc truyền thống và phát huy giá trị di tích. Theo đó, đền Chân Suối sẽ được tu bổ, tôn tạo gồm đại đình 5 gian, hậu cung 3 gian có đao, các bộ vì theo kiểu thức “ chồng rường giá chiêng”.
Truyền thuyết kể lại rằng, Đời vua Hùng vương thứ 6 ở động Tam Dương, phủ Đoan Hùng, đạo Sơn Tây có ông bô trưởng tên là Lăng Vĩ và vợ là Đào Liễu. Hai người có một người con gái rất đẹp, mắt phượng, mày ngài, cổ cao ba ngấn. Khi sinh khí thảm đầy nhà, hào quang tỏa sáng. Nữ nhi xinh đẹp giống như người trong mộng. Cô bé giọng trong như tiếng sáo. Tên gọi nàng Tiêu mà cha mẹ đặt cho gắn với bao huyền thoại của núi rừng. Càng lớn nàng lại càng giỏi cầm, kỳ, thi, họa, thông thạo binh thư, tài thao lược, cưỡi ngựa bắn cung rất thiện xạ, ném đá siêu phàm, trai tráng, nam nữ đều thần phục. Khi 20 tuổi nàng trở thành anh hùng nổi tiếng cả một vùng phủ lộ đều tôn bà là bà tướng.
Sau khi có công giúp vua Hùng đánh thắng giặc phương Bắc, Lăng Thị Tiêu dẫn quân về triều phụng chỉ. Vua Hùng mở yến tiệc khao thưởng quân sĩ và phong chức nội các cho 2 mẹ con rất vinh hiển nhưng cả 2 đều nhất mực từ chối, chỉ xin đức Vua được về lập bản doanh bên hồ chân Suối để phụng dưỡng mẹ cha. Vua Hùng đồng ý, phong Lăng Thị Tiêu là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu. Sau đó không lâu Lăng Thị Tiêu kết duyên vợ chồng với hoàng tử Lang Liêu.
Một hôm Lăng Thị Tiêu được tin thân mẫu qua đời, nàng xa giá trở về chịu tang mẹ. Đến nơi thấy mối đã đắp thành nấm mộ, người buồn rầu lên đỉnh núi Tây Thiên thăm lại nơi mẹ cha từng cầu tự. Bỗng đám mây ngũ sắc từ đâu hạ xuống bên nàng. Trong làn sương khói, một vì thần tiên hiện ra truyền rằng: nàng vốn là con gái thần võ nghệ, nay hạn kỳ đã hết nàng phải trở về thượng giới. Nghe xong nàng xuống suối tắm gội, rồi theo thiên sứ đi vào mây. Hôm ấy là ngày mùng 5 tháng 2 âm lịch.
Để ghi công đức sâu dầy của Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, dân làng Hà, xã Hồ Sơn đã rước thần hiệu về đền Chân Suối thờ phụng cùng Quốc tổ mẫu Đào Liễu. Khi còn sống, trong nước có loạn giặc Thục, Quốc mẫu Tây Thiên có công chiêu mộ binh sĩ, phò vương cứu nước, cứu dân. Sau khi mất, bà thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước, nên được sắc phong làm Quốc mẫu.
Mặc dù là di tích lịch sử văn hóa được tỉnh xếp hạng nhưng hiện nay, một số hạng mục công trình của di tích đền Chân Suối đã bị xuống cấp, không đáp ứng được nguyện vọng tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, và du khách.
Vĩnh Phúc vốn được coi là một trong những trung tâm hội tụ và lan tỏa của tục thờ Mẫu, điển hình là thờ Quốc mẫu Tây Thiên xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước.
Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Chân Suối, một di tích văn hóa lịch sử thờ Quốc tổ mẫu Đào Liễu (mẹ đẻ của Quốc mẫu Tây thiên Lăng Thị Tiêu) được coi là hành động kịp thời và cần thiết để góp phần phát huy giá trị lịch sử của ngôi đền, cũng như đáp hoạt động tín ngưỡng và nhu cầu văn hóa tâm linh tại địa phương.
Long Trần – Lê Hoàn