Tạo môi trường bình đẳng
Phương châm của tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra, đã có tác động tích cực đến sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ đó, những năm gần đây, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Trong đó, có Nghị quyết số 04 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020.
Nhiều doanh nghiệp đã tin tưởng và đầu tư tại Vĩnh Phúc
Thông tin tới các cơ quan báo chí, ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: "Với quan điểm và nguyên tắc tạo ra "sân chơi" bình đẳng cho các doanh nghiệp phát triển, nhưng chú trọng, quan tâm đến nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 14/1/2013, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04 về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020.
Việc ban hành nghị quyết là tất yếu, bởi nhóm doanh nghiệp này chiếm số lượng khá lớn (trên 97%), nhưng chưa thực sự mạnh về nguồn lực, nguồn vốn, kinh nghiệm sản xuất và các thế mạnh khác để cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu là các doanh nghiệp do người Việt Nam và người Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư.
Nghị quyết đã đưa ra các nhóm giải pháp hỗ trợ cụ thể, trong đó, có giải pháp cả hệ thống chính trị tập trung vào cuộc, tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, các giải pháp hỗ trợ về vốn, công nghệ, thủ tục hành chính...
Cùng với đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại, các cơ hội kinh doanh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tốt nhất để tham gia thị trường trong nước và quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch và đã cụ thể hóa thành nhiều nghị quyết chuyên đề và các nghị quyết chung, trình HĐND tỉnh ban hành, như: Nghị quyết số 57 về hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; Nghị quyết số 202 về hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp...
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 04, Vĩnh Phúc đã xây dựng được hành lang pháp lý, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Đặc biệt, việc triển khai thành công nhiều nhóm giải pháp của nghị quyết liên quan đến công tác quy hoạch, chính sách về đất đai, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các công trình ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp - đã giúp cho môi trường đầu tư của tỉnh trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Chú trọng thu hút đầu tư
Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 7.800 doanh nghiệp, tăng gần 3.000 doanh nghiệp so với năm 2013. Trong đó, có 239 doanh nghiệp nước ngoài, trên 100 doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước. Số còn lại, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt mức cao
Năm 2016, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào GDP của tỉnh chiếm hơn 10%, tăng 4 - 5% so với trước. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng lên 20%. Hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống điện, nước, các công trình phúc lợi phục vụ phát triển hoạt động của các doanh nghiệp được triển khai và phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Theo thống kê của Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, 4 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh thu hút 11 dự án FDI, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 10 lượt doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 102 triệu USD, tăng 20,8% về vốn so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 4/2017, Ban đã cấp giấy đăng ký đầu tư mới cho 3 dự án, điều chỉnh tăng vốn 1 dự án với nguồn vốn trên 19,9 triệu USD.
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút 164 dự án FDI, 42 dự án DDI. Trong đó, có 176 dự án đang hoạt động; 13 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng; 12 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án và bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đang tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai dự án, nhất là kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản triển khai xây dựng Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Bá Thiện; hướng dẫn hoàn thiện thủ tục xin chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sông Lô 1.
Để hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục khởi sắc và mục tiêu đến năm 2020, có trên 10.000 doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
PV