6 tháng đầu năm, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 80.000 tỷ đồng6 tháng đầu năm, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 80.000 tỷ đồng

6 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng đạt 78.000 tỷ đồng, giảm 3,46% so với cuối năm 2019; tổng dư nợ cho vay đạt 80.000 tỷ đồng, tăng gần 2,6%. Mặt bằng lãi suất cho vay và lãi suất huy động đều có xu hướng giảm, trong đó, lãi suất cho vay phổ biến từ 4,5-19,5%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,2-7,2%/năm đối với từng kỳ hạn.

Trong số 80.000 tỷ đồng dư nợ cho vay thì dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 65%, với trên 52.000 tỷ đồng, tăng gần 2,3%; dư nợ cho vay trung hạn và dài hạn đạt 28.000 tỷ đồng, tăng gần 3,2% so với cuối năm 2019.

Cơ cấu tín dụng cho vay ở Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm tăng trưởng hợp lý, với trên 86% là cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển; gần 12% cho vay lĩnh vực phi nông nghiệp. Phân theo đối tượng, dư nợ cho vay nửa năm 2020 tập trung chủ yếu vào khu vực hộ gia đình, tư nhân, cá thể, với trên 50%; khu vực doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp FDI chiếm 49,8%.

Tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh có 9.500 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm so với lãi suất khoản vay cũ, trong đó có 720 doanh nghiệp được vay 6.300 tỷ đồng, các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể được vay 5.700 tỷ đồng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay; tiếp tục có các buổi làm việc với doanh nghiệp, khách hàng để xác định mức độ ảnh hưởng dịch bệnh và hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ để được hỗ trợ; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Thanh Nga