Dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo một số Vụ của Bộ Giáo dục & Đào tạo; lãnh đạo các Sở, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cùng hơn 500 cán bộ quản lý ngành giáo dục của địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị.Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – Hoàng Thị Thúy Lan ghi nhận những đóng góp thiết thực của các đại biểu, trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Các vấn đề về chính sách cho giáo dục là điều không thể nằm ngoài khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và cả quy định của pháp luật, do vậy cần xem nội dung nào cần trước, cấp bách thì tập trung tháo gỡ. Vấn đề này ngành giáo dục cần tổng hợp đầy đủ những danh mục, nhiệm vụ cần sử dụng kinh phí thuộc danh mục Nhà nước phải đảm bảo, nâng định mức chi thường xuyên để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cho các nhà trường báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND có Nghị quyết để thống nhất thực hiện; đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng rà soát lại các cơ chế chính sách hiện có, nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách phù hợp cho giáo dục để tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển và nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như chăm lo đời sống vật chất cho đội ngũ nhà giáo để các thầy, cô giáo yên tâm cống hiến; giao UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan xây dựng.

Đối với nội dung về phát triển đội ngũ nhà giáo và chăm lo bảo vệ thầy cô trước những áp lực của xã hội, Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu để Tỉnh ủy tổng kết 5 năm thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của BTV Tỉnh ủy, trong đó đặc biệt quan tâm đến những kiến nghị, đề xuất của ngành giáo dục liên quan đến việc sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập, đảm bảo quy mô phù hợp, hiệu quả; đơn vị nào đã sáp nhập mà hoạt động không hiệu quả, gây khó khăn cho hoạt động dạy và học của thầy và trò thì cần xem xét một cách thấu đáo, báo cáo cấp có thẩm quyền. Yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố, các Phòng GD&ĐT cần xem xét ngay vấn đề an ninh, an toàn trong trường học. Cần có giải pháp cụ thể để không xảy ra bất kỳ vụ việc nào làm tổn hại đến uy tín, danh dự của nhà giáo trước áp lực của phụ huynh và học sinh.

Quang cảnh hội nghịQuang cảnh hội nghị

Đối với vấn đề các đại biểu rất quan tâm là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định việc thực hiện đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ những việc nhỏ, từ từng thầy, cô giáo, từng cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới phải lấy học sinh làm trung tâm, quan tâm đến việc dạy làm người là quan trọng nhất. Muốn vậy, thầy cô phải làm gương cho học sinh. Phía Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan (Hội CCB, Hội PN, Đoàn TN,…) xây dựng Đề án tổng thể về đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn – Đội trong trường học; gắn trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội vào giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, tránh tình trạng “khoán gọn” cho nhà trường. Đề xuất cơ chế, chính sách thu hút, phát triển các mô hình giáo dục kỹ năng sống, giáo dục trải nghiệm, các trung tâm giáo dục tâm lý cho học sinh.Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, thành phố nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường học, gắn chặt chẽ với giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống dân tộc, lịch sử địa phương cho học sinh.

Về xã hội hóa trong giáo dục là trách nhiệm của cấp ủy, của chính quyền các cấp, đồng chí Bí thư đề nghị, cần làm rạch ròi những khoản thu nào có tính chất bắt buộc; những khoản thu nào cần vận động phụ huynh, mạnh thường quân ủng hộ. Đối với những việc mà ngân sách địa phương không thể đảm bảo mới thực hiện xã hội hóa, thì Chính quyền phải là chủ thể đứng ra thực hiện chứ không thể “đá” trách nhiệm sang các Nhà trường. Muốn người dân, phụ huynh đồng thuận thì cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể phải tuyên truyền, vận động phụ huynh, người dân hiểu, ủng hộ chủ trương xã hội hóa… và danh mục, nội dung, định mức xã hội hóa cần được HĐND quyết định công khai, minh bạch.

Lê Sơn