Các đại biểu tham dự kỳ họpCác đại biểu tham dự kỳ họp

Kỳ họp được chủ trì bởi các ông: Trần Văn Vinh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Kim Khải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh;

Đến dự lễ khai mạc có bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện Văn phòng T.Ư Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Thường trực UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI.

Ông Trần Văn Vinh, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu khai mạc kỳ họpÔng Trần Văn Vinh, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu khai mạc kỳ họp

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Vinh nhấn mạnh: Dù tình hình kinh tế của tỉnh từ đầu năm đến nay có suy giảm so với cùng kỳ năm 2019 do tác động dịch bệnh Covid-19 song các nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vẫn được bảo đảm.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế âm 2,7%; thu ngân sách đạt 40% dự toán năm và bằng 84% so với cùng kỳ năm 2019; tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm, bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều công trình còn vướng mắc; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Cùng với đó, các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, lao động việc làm… còn những hạn chế, bất cập cần tập trung tháo gỡ; tội phạm về ma túy, cầm đồ, tín dụng đen tuy được kiềm chế song vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường sẽ tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới. Hơn lúc nào hết, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế sau dịch bệnh đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, trong đó có vai trò không nhỏ của các đại biểu HĐND tỉnh. 

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.

Ông Lê Duy Thành, PCT UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình bày báo cáo tại kỳ họpÔng Lê Duy Thành, PCT UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình bày báo cáo tại kỳ họp

Theo đó, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong điều kiện nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, cộng với những yếu tố bất thường của thời tiết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện mục tiêu kép: Vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh vừa tập trung duy trì và phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 tuy có suy giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn ước giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 3 ngành sản xuất thì chỉ duy nhất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019, còn lại ngành công nghiệp – xây dựng giảm 5,24%, các ngành dịch vụ ước giảm 4,04%. Tính đến 29/6/2020, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt trên 14.215 tỷ đồng, đạt trên 40% so với dự toán. Lũy kế đến hết tháng 6 năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 392 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 5,57 tỷ USD và 782 dự án DDI với tổng vốn đăng ký trên 93,73 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh có 580 doanh nghiệp thành lập mới.

Đến nay, 100% số xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP cho 18 sản phẩm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, chính sách giảm nghèo phát huy hiệu quả. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 9.263 lao động, bằng 46% kế hoạch năm.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ không thực hiện phiên chất vấn, giám sát tại kỳ họp; các nội dung chất vấn của đại biểu sẽ được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, gửi UBND tỉnh trả lời bằng văn bản. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn trình bày tóm tắt các báo cáo, tờ trình; dành nhiều thời gian cho hoạt động thảo luận tại hội trường. Các đại biểu HĐND tỉnh khi thảo luận cần căn cứ những mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và trên cơ sở dự báo tình hình trong thời gian tới để có những ý kiến đóng góp sát, đúng nhằm giúp cho HĐND tỉnh có cơ sở  thông qua các nghị quyết bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Long Trần