Tính đến ngày 12/9 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, khoảng 9.054 ha lúa và 1.544 ha hoa màu bị đổ ngã, ảnh hưởng; thiệt hại về thủy sản khoảng 263 ha; hơn 5.400 gia súc gia cầm bị thiệt hại...

Người dân Vĩnh Phúc di chuyển bảo vệ đàn gia súc ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn.
Người dân Vĩnh Phúc di chuyển bảo vệ đàn gia súc ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Bão số 3 gây ra thiệt hại nặng nề, ước tính tổng thiệt hại trên các lĩnh vực của tỉnh Vĩnh Phúc khoảng hơn 79 tỷ đồng. Các thiệt hại khác vẫn đang được cơ quan chuyên môn tiếp tục thống kê, kiểm đếm.

Để khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2024 theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tiếp tục huy động mọi nguồn lực để tiêu úng và khơi thông dòng chảy, đảm bảo diện tích trồng lúa không bị ngập úng thêm trong trường hợp mưa lớn tiếp tục xảy ra.

Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch: cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thu hoạch nhanh, gọn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm như: ngô, lạc, đậu tương, ớt, dưa, bí các loại… theo phương châm gieo trồng càng sớm càng tốt.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, khơi thông kênh mương nội đồng và tạo rãnh thoát nước kết hợp rãnh tưới quanh ruộng và bề mặt ruộng đề phòng mưa lớn gây úng cục bộ, tháo cạn nước mặt ruộng, giữ nước nông hệ thống kênh mương vùng lúa đã chín và sắp chín để tạo thuận lợi cho trồng cây vụ Đông.

Những diện tích rau màu chưa đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại không có khả năng phục hồi thì tiến hành thu gom các cây trồng bị thiệt hại nặng để tiêu hủy, tranh thủ thời tiết thuận lợi chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.

Lực lượng chức năng huyện Lập Thạch giúp bà con nông dân thu hoạch lúa
Lực lượng chức năng huyện Lập Thạch giúp bà con nông dân thu hoạch lúa "chạy bão".

Đối với diện tích rau màu bị thiệt hại nhẹ, cắt tỉa các thân cành bị dập, gãy sau mưa tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng, hạn chế nấm bệnh; sau khi nước rút, trời tạnh ráo cần xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc và dựng cây, khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau, đồng thời mở rộng diện tích cây vụ Đông 2024 nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tại những vùng có nguy cơ bị ngập úng cần chủ động chuyển đàn gia súc, gia cầm đến nơi không bị ngập úng để tránh thiệt hại cho Nhân dân; thu gom và xử lý xác động vật chết theo hướng dẫn của cán bộ thú y; thực hiện công tác vệ sinh dụng cụ chăn nuôi, hệ thống ống dẫn, dụng cụ chứa nước và bể chứa nước; quét dọn chuồng trại... để giảm thiểu lây lan dịch bệnh và ô nhiềm môi trường.

Tiến hành phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng; rắc vôi bột hoặc phun thuốc sát trùng toàn bộ hành lang, lối đi, và phương tiện vận chuyển. Tiến hành sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước uống, hệ thống nước thải. Nạo vét, khơi thông hệ thống cống rãnh, phát quang bụi rậm khu vực quanh chuồng nuôi.

Tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống phù hợp với từng lứa tuổi gia cầm, bổ sung vitamin, men tiêu hóa... cho đàn gia cầm để nâng cao sức đề kháng.  

Chỉ thực hiện việc tái đàn sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chăn nuôi như: gia cố chuồng trại, vệ sinh khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi... Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng đã được tiêm đầy đủ các loại vắc xin. Khử trùng, tiêu độc nguồn nước, đồng cỏ, bãi chăn phục vụ chăn nuôi.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc sở phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, bệnh hại trên các loại cây trồng sau bão.

Phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Trong đó, lưu ý một số đối tượng sâu, bệnh hại lúa phát sinh sau bão như: rầy nâu, bệnh bạc lá, khô vằn... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Hà Trần (t/h)