3 tháng đầu năm, trong số 24 ngành công nghiệp chủ yếu thì 16 ngành có chỉ số sản xuất tăng. Trong đó, tăng nhiều nhất là ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy với 58,2%; ngành sản xuất thiết bị điện tăng 39,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 34,7%; sản xuất thuốc, hóa liệu, dược liệu tăng 26,3%; thức ăn cho gia súc tăng gần 17,7%; ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 22,4%; sản xuất kim loại tăng 20,4%.; sản xuất giày, dép thể thao tăng 4,5%.
Tuy nhiên, có 10 ngành có chỉ số sản xuất giảm. Cụ thể, ngành sản xuất phương tiện vận tải giảm 4,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 12,6%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 16,8%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm trên 31%...
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, quý II/ 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hết nguồn nguyên liệu dự trữ và sức mua, thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp ở nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm. Để giữ chân, duy trì việc làm cho người lao động, nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại quy mô sản xuất, không tăng ca, giảm giờ làm hoặc cho người lao động luân phiên nghỉ việc.
Nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Mới đây nhất, BTV Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chỉ thị số 39 về tiếp tục chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện các nhiệm vụ được giao, cùng với tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh từ 8-8,5% trong năm 2020.
Thanh Nga