Tại Vĩnh Phúc, tình trạng kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm “nhái” các thương hiệu nổi tiếng ngày càng phổ biến. Hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hầu hết là các cơ sở buôn bán nhỏ, tập trung chủ yếu ở thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường.

Lực lượng QLTT Vĩnh Phúc kiểm tra nguồn gốc sản phẩm hàng hóaLực lượng QLTT Vĩnh Phúc kiểm tra nguồn gốc sản phẩm hàng hóa

Để ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng tránh được những thiệt hại về vật chất, sức khỏe.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, việc kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc thường gặp phải một số khó: Thời gian kiểm định, giám định, thẩm định sản phẩm lâu, phức tạp; khó kiểm tra, thống kê hết toàn bộ các mặt hàng kinh doanh với các hộ kinh doanh ngay tại nơi cư trú; quy định xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…

Ngoài ra, thị trường mỹ phẩm, thực phẩm chức năng còn tiềm ẩn nguy cơ khó kiểm soát hơn bởi hình thức kinh doanh trực tuyến, qua mạng xã hội như Facebook, Zalo ngày càng phổ biến. Với hình thức kinh doanh này, cơ quan quản lý rất khó xác định danh tính, địa chỉ cư trú thực của người bán hàng, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng. 

Để tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm chất lượng, đặc biệt với nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; triển khai hiệu quả 9 quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động nhập khẩu, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu nói chung; tiến hành kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng trên địa bàn tỉnh; kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động này.

Đồng thời, tổ chức ký cam kết với các cơ sở kinh doanh không buôn bán hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường Vĩnh Phúc đã phát hiện, xử lý 24 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; xử phạt hành chính gần 103 triệu đồng, tiến hành tiêu hủy tổng số hàng hóa trị giá hơn 211,7 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu: Hàng hóa nhập lậu, không có nhãn mác đúng quy định, hàng hóa hết hạn sử dụng không bảo đảm chất lượng, mỹ phẩm giả, không đúng công dụng...

Sở Công thương Vĩnh Phúc đánh giá: Nghị định 98 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 sẽ tăng sức răn đe với các cơ sở, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, góp phần ngăn chặn tình trạng mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc tràn lan như hiện nay.

Cụ thể, hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ xử phạt với mức tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu, hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Đối với người sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị phạt tối đa tới 100 triệu đồng. Mức phạt này áp dụng với tổ chức vi phạm gấp đôi so với cá nhân.

Hoan Nguyễn