Cùng với các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát kế hoạch và nhiệm vụ tăng trưởng đã đề ra, ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; tập trung tháp gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm... Do đó, kết quả 9 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển tích cực trên các lĩnh vực, mức tăng trưởng kinh tế đạt 8,63% so với cùng kỳ 2018.
Ngành sản xuất linh kiện điện tử liên tục có mức tăng trưởng rất cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc, đạt mức tăng 13,01% so với cùng kỳ. Các ngành thương mại dịch vụ tăng trưởng khá, thị trường hàng hóa trên địa bàn đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Riêng sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của tình hình dịch tả lợn Châu phi gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi khiến chỉ số sản xuất nông nghiệp giảm 2,2%.
Ngành công nghiệp, xây dựng 9 tháng đầu năm tăng 12,85% so với cùng kỳ, giá trị tăng thêm đạt 32,864 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong ba ngành công nghiệp lớn của Vĩnh Phúc thì ngành sản xuất linh kiện điện tử vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 9 tháng đạt 45,55% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung tới 6,53 điểm % trong tổng số tăng chung của tỉnh là 8,63 điểm %.
Ngành sản xuất ô tô, xe máy gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, tăng trưởng 9 tháng giảm lần lượt 4,60% và 8,90%, làm giảm tăng trưởng chung của tỉnh 1,96 điểm %. Như vậy, với tỷ trọng trong giá trị tăng thêm chiếm tới 38,72%, dẫn đầu toàn ngành công nghiệp của tỉnh, sự phát triển của ngành sản xuất linh kiện điện tử đã bù đắp khá tốt cho mức sụt giảm tăng trưởng của ngành ô tô và xe máy, giúp duy trì sự tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm 2019, còn có sự đóng góp của ngành sản xuất kinh loại và ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại. Tăng trưởng 9 tháng đầu năm của 2 ngành đạt trên 3,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,42% trong tổng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh 1,03 điểm %. Các ngành công nghiệp còn lại có mức tăng trưởng bình quân đạt 12,31% so với cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,5 điểm %.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến 24/9/2019 đạt 24.762 tỷ đồng, đạt 89,09% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 21.607 tỷ đồng, đạt 89,12% dự toán. Đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 16.190 tỷ đồng, chiếm 65,38% tổng số thu ngân sách trên địa bàn. Tiếp đến là các nguồn thu từ đất như thu tiền thuê đất đạt 1.111 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất đạt 1.516 tỷ đồng; thu từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 773 tỷ đồng, thu thuế thu nhập cá nhân đạt 649 tỷ đồng. Thu từ Hải quan ước đạt 3.120 tỷ đồng, đạt 87,87% dự toán.
Hoạt động ngân hàng, tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai theo chỉ đạo điều hành của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và của tỉnh. Trong đó, ưu tiên tập trung tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9 trên địa bàn tỉnh ước đạt 72.850 tỷ đồng, tăng 8,31% so với cuối năm 2018. Nợ xấu được kiểm soát với tỷ lệ 1,01% trên tổng dư nợ.
Kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội lũy kế 9 tháng năm 2019, thực hiện ước đạt 22.967,2 tỷ đồng, tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chiếm tỷ trọng cao, đạt 14.308,5 tỷ, chiếm 62,30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 4.439,4 tỷ đồng, tăng 5,0% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước lũy kế 9 tháng năm 2019 đạt 11.980,1 tỷ đồng tăng 7,79% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 52,16% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn.
Môi trường đầu tư thuận lợi khiến các doanh nghiệp FDI ngày càng tin tưởng đầu tư tại Vĩnh Phúc
Bên cạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong nước; cải thiện môi trường đầu tư, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có mức tăng khá. Tổng số dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) cấp mới trên địa bàn dự kiến đạt 31 dự án với tổng số vốn đăng ký 9.787,5 tỷ đồng, làm thủ tục tăng vốn cho 06 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký tăng là 879,37 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 10.666,87 tỷ đồng tăng 253,12% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế đến hết tháng 9/2019, trên địa bàn tỉnh có 747 dự án DDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 82.342,41 tỷ đồng.
Khu vực FDI, nhiều doanh nghiệp cũ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mới được cấp phép đang khẩn trương đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, tuyển dụng và đào tạo lao động nên vốn đầu tư khu vực này tăng khá. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong quý III ước đạt 2.636,1 tỷ đồng, tăng 8,51 % so với quý trước và 5,72% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2019, ước đạt 6.547,7 tỷ đồng tăng 9,08 % so với cùng kỳ năm 2018.
Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được chú trọng. Cùng với lợi thế về vị trí địa lý, môi trường đầu tư lành mạnh, việc triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư với những chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư cụ thể, hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới, Vĩnh Phúc tiếp tục được đánh giá là điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong kỳ, các đoàn công tác của tỉnh đã thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư tại các nước: Mỹ, Hà Lan, Đức và Séc. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài là: Cơ khí ô tô; công nghệ điện tử; công nghiệp hỗ trợ của ngành cơ khí ô tô, điện tử; nông nghiệp công nghệ cao; vật liệu mới; năng lượng tái tạo; du lịch; giáo dục đào tạo; y tế; xử lý môi trường; thành phố thông minh và dịch vụ logictics. Đồng thời, duy trì hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường truyền thống là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan…
Kết quả 9 tháng đầu năm, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới trên địa bàn tỉnh là 55 dự án với tổng vốn đầu tư 253 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 40 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng là 313 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 566 triệu USD, tăng 67,09% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến lũy kế hết tháng 9/2019, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 373 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,9 tỷ USD.
Công tác giải quyết lao động, việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng của tỉnh đặc biệt quan tâm với những biện pháp cụ thể, thiết thực. Công tác y tế, giáo dục, văn hóa và an ninh quốc phòng được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh ngày một nâng cao.
Với kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2019, tin tưởng rằng, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo động lực vững chắc để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020.
Hải Đăng