THCL Nhiều loại vật liệu xây dựng (sắt, thép, gạch, xi măng, đồ trang trí nội, ngoại thất...) đang bị làm giả tràn lan, không những gây thiệt hại về kinh tế, uy tín thương hiệu của DN chân chính, mà còn gây hại cho sức khỏe NTD.
NTD bị “móc túi”
Theo các chuyên gia, cơn bão NK vật liệu xây dựng (VLXD) giá rẻ từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam gây ra nhiều khủng hoảng đối với sản xuất của các DN trong nước. Các DN sản xuất trong nước như Euroha, Sông Hồng, Đông Anh… đã phải “gồng mình” chống đỡ các mặt hàng giá rẻ, kém chất lượng.
Tiêu chuẩn VN 6285:1997 quy định loại thép xây dựng đường kính 10 mm trọng lượng phải đạt 0,617 kg/m, đường kính 12 mm trọng lượng 0,888 kg/m, đường kính 16 mm trọng lượng 1,58kg/m, đường kính 20 mm trọng lượng 2,47 kg/m... Tuy nhiên, trên thực tế, thép tổ hợp không bao giờ đạt tiêu chuẩn này. Mánh khóe để một số nhà sản xuất qua mặt NTD là làm giảm phi bằng cách cho ra khuôn dạng cây thép hình ô van, hơi dẹp, khi đo chiều rộng thì đủ còn lượng lại thiếu, đơn cử như loại phi 10 chỉ còn 9 hoặc 9,5…
Tôn lợp hiện nay cũng có nhiều công ty sản xuất. Một số nhà sản xuất do chạy theo lợi nhuận đã bỏ bớt nhiều công đoạn trong sản xuất nhằm hạ giá thành đến mức thấp nhất. Tôn mạ kẽm kém chất lượng thường không có lớp cromic nhằm bảo vệ bề mặt không bị ô xy hóa.
Theo tiêu chuẩn VN, gạch ống chỉ có 2 quy cách là 190 x 90 x 90 mm và 180 x 80 x 80 mm. Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất gạch ống cố tình làm sai quy cách bằng cách giảm kích thước xuống còn 170 x 70 x 70 mm, thậm chí xuống thấp hơn để bán giá rẻ.
Theo Kiến trúc sư Vũ Công Trường, một công trình đạt chất lượng đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài vẻ đẹp khi thiết kế kiến trúc còn phải tính đến khả năng chịu lực của công trình, tức là chất lượng của VLXD. Do vậy, VLXD kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến công trình, nhất là đối với những căn nhà nhiều tầng.
Không chỉ VLXD cơ bản, các đồ trang trí nội, ngoại thất như đồ gỗ bị làm giả cũng có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Với một số loại ván ép công nghiệp, có nhà sản xuất thường dùng keo dán gỗ có thành phần chứa chất formaldehyde, một loại chất được Tổ chức Y tế thế giới liệt kê là chất độc hại đối với sức khỏe con người.
Khó quản lý?
Bà Huỳnh Thị Lê, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng hàng hóa và Đo lường (Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng TP. HCM) thì: VLXD thiếu kích cỡ, kém chất lượng chúng tôi có biết, nhưng từ trước đến nay chưa kiểm tra được. Đồng thời, cũng chưa có sự chỉ đạo từ cấp trên. Kế hoạch trong năm nay, chúng tôi được chỉ đạo kiểm tra một số mặt hàng trọng tâm như dây điện bọc nhựa, dây cáp điện, văn phòng phẩm, phụ tùng xe đạp, xe gắn máy... nhưng cũng không có VLXD.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng phòng Hành chánh - Tổng hợp (Chi cục QLTT TP. HCM) cho biết, QLTT không am hiểu về quy cách VLXD cho nên rất khó kiểm tra, chẳng hạn như tôn, sắt thép nhìn cái nào cũng như nhau. Vấn đề này phải do các ngành chuyên môn mới quản lý nổi. Nhiệm vụ chính của lực lượng QLTT là kiểm tra về hàng giả, sở hữu công nghiệp, giấy phép hoạt động kinh doanh, hàng ngoại nhập lậu... Lực lượng QLTT không thể nào bao trùm được hết, chỉ chú trọng đến những vấn đề nổi cộm, bức xúc của xã hội. Tuy nhiên, sắp tới, sẽ nêu ý kiến với ngành để có phương hướng giải quyết.
Kết quả khảo sát vừa được Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD (Vinastas) công bố cho biết có đến 62% NTD khi mua sản phẩm không hề biết đó là thật hay giả.
Theo ông Nguyễn Phi Hải, GĐ Kỹ thuật Vina CHG: “Một trong những giải pháp được nhiều DN chọn lựa là sử dụng tem chống hàng giả thông minh công nghệ cao mang tính pháp lý để giúp NTD có thể phân biệt hàng giả, hàng thật dễ dàng và chính xác”.
Yên Châu