Những com số ấn tượng

Thời điểm cuối tháng 10, VNINDEX thiết lập mức cao nhất mọi thời đại tại 1.423,02 điểm (tăng 6,0% so với cuối tháng 9 và tăng 28,9% so với đầu năm). Tâm lý thị trường tích cực hơn trong tháng này, sau nới lỏng giãn cách ở cả Hà Nội và TP. HCM. Đáng chú ý, gói kích thích kinh tế mới có khả năng được thông qua vào cuối năm 2021 đã nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi đó, HNX-INDEX và UPCOMINDEX lần lượt ghi nhận mức tăng 13,2% và 6,3% so với cuối tháng 9. Kể từ đầu năm 2021, HNX-INDEX và UPCOMINDEX lần lượt tăng 99,1% và 37,9% so với đầu năm.

Chỉ số VN-INDEX ghi nhận mức tăng ấn tượng 6,0% sv đầu tháng 10, vượt qua tất cả các thị trường chứng khoán Đông Nam Á khác, bao gồm JCI Index (+5,0% so với đầu tháng), STI Index (+4,3%), PCOMP Index (+4,0%), FBMKLCI Index (+2,9%) và SET Index (+1,4%).

Thanh khoản phục hồi nhẹ khi giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn tăng 1,0% so với tháng trước đó, lên 26.991 tỷ đồng/phiên (+274,7% so với cùng kỳ), trong đó giá trị giao dịch bình quân trên HOSE đạt 21.981 tỷ đồng/phiên (+3,4% so với tháng trước) trong khi giá trị giao dịch bình quân trên sàn HNX giảm xuống 2.752 tỷ đồng/phiên (-18,1%). Thanh khoản trong tháng 10 trên HNX giảm mạnh so với tháng 9 là do cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) từ HNX chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE.

Trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân trên UPCOM tăng 6,4% so với tháng trước lên 2.258 tỷ đồng/phiên.

VNINDEX thiết lập mức cao nhất mọi thời đại
VNINDEX thiết lập mức cao nhất mọi thời đại vào cuối tháng 10

Diễn biến thị trường cho thấy, tiền tiếp tục chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ trong tháng 10 khi giá trị giao dịch bình quân của VNSML (đại diện cho nhóm vốn hóa nhỏ) tăng 4,7% so với tháng trước, dẫn đến mức tăng ấn tượng 13,9% so với đầu tháng của chỉ số VNSML. Ngược lại, dòng tiền rút ròng nhẹ khỏi nhóm vốn hóa lớn và vốn hóa trung bình với thanh khoản bình quân phiên trong tháng 10 giảm lần lượt 0,1% và 0,6% so với tháng trước.

Nhóm cổ phiếu Cung cấp nước & khí đốt, Dầu khí, Điện, Công nghệ thông tin, Hóa chất, Ngân hàng và Vật liệu xây dựng thu hút dòng tiền trong tháng 10. Mặt khác, dòng tiền rút khỏi nhóm Chứng khoán, Vận tải, Xây dựng và Thực phẩm trong tháng 10.

Tại Báo cáo phân tích chiến lược thị trường tháng 11, CTCP Chứng khoán VNDirect dự báo dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình trong tháng 11 sau khi VN-INDEX vượt đỉnh lịch sử và thiết lập xu hướng tăng ngắn hạn.

Khối ngoại đã bán ròng 10.016 tỷ đồng trên 3 sàn trong tháng 10/2021 (số liệu ngày 26/10/2021). Trong 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 50.142 tỷ đồng (so với giá trị bán ròng là 13.344 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2020 và 19.310 tỷ đồng trong cả năm 2020).

Triển vọng thị trường hấp dẫn trong dài hạn

Tính tới đầu tháng 11/2021, đã có 651 công ty niêm yết, chiếm 37,3% tổng số doanh nghiệp niêm yết và 82% giá trị vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả quý III/21, theo đó tổng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ.

Ngành Dịch vụ Tài chính ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong quý III/2021 nhờ thanh khoản thị trường chứng khoán và dư nợ margin tăng mạnh so với cũng kỳ.

Mặt khác, Ngành Du lịch & Giải trí, Bán lẻ và Ô tô ghi nhận kết quả kinh doanh thấp trong quý 3/2021 do tác động tiêu cực của các biện pháp xã hội cách xã hội trong thời gian vừa qua.

VNDirect kỳ vọng lợi nhuận của một số ngành như Bán lẻ và Thực phẩm & Đồ uống sẽ phục hồi trong quý 4/2021 trong khi lợi nhuận của ngành Dầu khí, Bất động sản và Thép duy trì ở mức cao. Qua đó, VNDirect duy trì dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 của các công ty niêm yết trên HOSE là 26%.

VN-INDEX hiện được giao dịch ở mức P/E là 16,9 lần, cao hơn một chút so với P/E trung bình 3 năm là 16,0 lần và chiết khấu khoảng 12% so với mức đỉnh vào cuối tháng 6.

Sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết khiến thị trường vẫn hấp dẫn trong dài hạn (Ảnh minh họa)
Sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết khiến thị trường vẫn hấp dẫn trong dài hạn (Ảnh minh họa)

Thị trường hiện đang chuyển hướng tập trung sang câu chuyện phục hồi kết quả kinh doanh trong quý IV/2021, cũng như triển vọng kinh doanh trong năm tới. VNDirect duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2022, 2023 ở mức 21%/18% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, Dầu khí và Bất động sản. Do đó, VNDirect cho rằng, định giá thị trường vẫn hấp dẫn với tầm nhìn dài hạn, và thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp hiện nay.

VNDirect dự đoán, VN-INDEX sẽ dao động trong vùng 1.380-1.480 điểm trong tháng 11.

VNDirect dự đoán lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tăng trưởng 26% so với cùng kỳ trong năm tài chính 2021. Dầu khí, Bất động sản, Bán lẻ, Thực phẩm & Đồ uống có thể sẽ quay trở lại đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý IV/2021. Trong khi các nhà sản xuất thép và công ty chứng khoán vẫn sẽ duy trì kết quả kinh doanh tích cực trong quý tới. Chúng tôi duy trì dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 là 21% so với cùng kỳ cho các công ty niêm yết trên HOSE. Các nhóm ngành dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 được dự báo là Hàng hóa Và Dịch vụ Công nghiệp, Bất động sản, Dầu khí Và Hàng không.

Về triển vọng thị trường 2 tháng cuối năm, VNDirect đưa ra dự báo tích cực khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021, được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp. Ngoài ra, gói kích thích kinh tế mới có thể được thông qua trong quý IV/2021 và định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn trong dài hạn.

Đối với năm 2022, VNDirect kỳ vọng tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HOSE duy trì ở mức cao 21% so với cùng kỳ. Một số ngành có thể thiện mạnh mẽ lợi nhuận trong năm tới bao gồm Hàng hóa và Dịch vụ công nghiệp, Bất động sản và Dầu khí.

Còn năm 2023, VNDirect dự báo tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HOSE là 18% so với cùng kỳ.

Hưng Khánh