Vụ việc 3.750 con heo tiêm thuốc an thần bị phát hiện tại lò giết mổ Xuyên Á, tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, một trong những lò mổ có quy mô lớn nhất ở TP. HCM. Sự việc này đã và đang khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan quản lý. Vì sao lại có tình trạng này, lỗ hổng đang nằm ở khâu nào trong quy trình giám sát?

Vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần: Cơ quan chức năng địa phương đang ở đâu? - Hình 1

3.750 con heo tiêm thuốc an thần bị phát hiện tại lò giết mổ Xuyên Á

Chỉ phát hiện khi Trung ương vào cuộc?

Như TH&CL đã thông tin, vào lúc 21 giờ tối 28/9, Đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cục C49 (Bộ Công an), Chi Cục Thú y TP. HCM đã bắt quả tang 2 nhân viên của Cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. HCM đang bơm thuốc an thần vào heo để giết mổ. Tại hiện trường, heo được tiêm thuốc an thần nằm la liệt. Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vỏ lọ thuốc, dung dịch màu vàng được đựng trong chai truyền nước (ghi dung dịch thuốc an thần) và các dụng cụ dùng để tiêm thuốc an thần cho heo.

Qua kiểm tra ban đầu, đoàn phát hiện 3.750 con heo đã được tiêm thuốc an thần để chuẩn bị giết mổ; số heo chưa kịp tiêm là 587 con. Hiện đoàn công tác liên ngành đang tạm giữ tại chỗ 4.200 con heo để chờ kết quả kiểm định từ 144 mẫu nước tiểu, 3 mẫu thuốc ghi dung dịch thuốc an thần. Khi có kết quả đoàn công tác sẽ có các bước xử lý tiếp theo.

Vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần: Cơ quan chức năng địa phương đang ở đâu? - Hình 2

Ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. HCM phát biểu tại cuộc họp báo

Đại diện đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, bước đầu, có 13/21 chủ lò giết mổ tại khu vực này thừa nhận có tiêm thuốc an thần cho heo. Nguồn heo đưa về lò mổ này chủ yếu từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, và Bến Tre. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, chủ lò mổ cũng thừa nhận, do muốn cạnh tranh với các thương lái khác, thịt heo đưa ra chợ phải có màu đỏ bắt mắt, thịt mềm, dẻo sẽ ăn khách hơn nên bà đã đồng ý với thương lái cùng thực hiện hành vi này.

Đại diện đoàn kiểm tra liên ngành, ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, từ nguồn tin báo của người dân, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ NN&PTNN và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49)-Tổng cục Cảnh sát - đã phối hợp trinh sát cơ sở giết mổ Xuyên Á hơn 1 tháng qua.

Cơ quan chức năng địa phương đang ở đâu?

Tại cuộc họp báo thông tin về vụ việc này, ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. HCM cho hay, bình quân mỗi ngày cơ sở Xuyên Á giết mổ khoảng 5.000 con heo, chiếm 50% lượng heo tiêu thụ trên địa bàn TP. HCM.

Vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần: Cơ quan chức năng địa phương đang ở đâu? - Hình 3

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vỏ lọ thuốc, dung dịch màu vàng được đựng trong chai truyền nước

Lãnh đạo Chi cục Thú y TP. HCM cho hay, từ 19h – 22h hằng đêm là khung giờ có số lượng lớn heo được tập kết về cơ sở giết mổ. Trong khi tại cơ sở giết mổ lớn như Xuyên Á thì lực lượng cán bộ thú y chỉ có 17 người, tuy nhiên không phải lúc nào cũng đủ quân số thường trực: “Các đối tượng chích thuốc vào heo lợi dụng lúc cán bộ thú y kiểm tra lâm sàng cho heo trước khi giết mổ để hành sự. Đây là lỗ hổng trong quá trình kiểm tra, giám sát tại cơ sở giết mổ mà chúng tôi sẽ phải thay đổi trong thời gian tới”, ông Phát nói. Và ông cũng thừa nhận vụ phát hiện tiêm thuốc an thần cho heo nói trên là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến khi cơ quan chức năng TW vào cuộc thì sự việc mới được phát giác?

Ông Phát còn cho biết, hiện chi cục đang phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu sai phạm của cán bộ thú y tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Nếu phát hiện cán bộ nào nhận tiền để bỏ qua sai phạm hay bảo kê cho thương lái vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Acepromazine trong thuốc an thần có nguy hại như thế nào đến sức khoẻ con người? và mức xử phạt liệu có đủ sức răn đe? Báo TH&CL sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: “Qua xác minh ban đầu, trên các lọ thuốc an thần đều ghi cảnh báo sử dụng trước 24h. Số thuốc này được nhập khẩu từ Bỉ”. Theo tư liệu của Viện Thú y, Học viện Nông nghiệp, với lợn tồn dư thuốc an thần mà những người bị bệnh mãn tính, trẻ em, người bị bệnh tim ăn phải có thể gây tụt huyết áp, gây trầm cảm. Chính vì thế, hành vi bơm thuốc an thần vào heo đã bị nghiêm cấm và có mức xử phạt rất cao.

Cao Diên – Hải Dương