Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Vụ cháy chung cư quận Thanh Xuân (Hà Nội): Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan

Những ngày qua, vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) khiến nhiều người thương vong, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đã dấy lên câu hỏi về “lỗ hổng” trong khâu quản lý nhà nước trong xây dựng của cơ quan chức năng. Ai là người phải chịu trách nhiệm trong sự cố này (?!). Câu chuyện đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” lại được đưa ra bàn thảo…

ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Tòa nhà chung cư ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) nơi xảy ra vụ cháy

Có hay không việc buông lỏng quản lý?

Nửa đêm 12/9, ngọn lửa lớn bất ngờ bùng lên tại một căn chung cư mini 9 tầng nằm sâu trong ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Tiếng nổ của những vật dụng và xe máy phát lên bên trong tòa nhà - tiếng kêu cứu “thất thần” của các nạn nhân đang bị mắc kẹt không thể thoát ra - là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác phòng cháy chữa cháy tại các nhà chung cư riêng lẻ (chung cư mini) tại các thành phố lớn; công tác quản lý nhà nước trong trật tự xây dựng của cơ quan chức năng liên quan. 

Tòa nhà với diện tích mặt sàn hơn 200m2, nhưng chỉ có 2 lối thoát là mặt tiền và phía sau tòa nhà, trong khi các ô cửa sổ đều bị bịt kín, bởi những khung sắt chắc chắn.

Xe cứu hỏa được điều đến gần như tức thì, nhưng không thể tiếp cận hiện trường, do lối vào quá nhỏ. Việc nối ống nước từ xa để dập lửa đã mất quá nhiều thời gian, trong khi cứu người đang phải tính bằng giây trước sự tấn công của “bà hỏa”.  

Người dân trong khu vực đã thức trắng đêm hỗ trợ lực lượng chức năng, nhưng cuối cùng cũng chỉ biết chắp tay cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số, không được giải thoát bởi sự cố!

Nhiều ngày qua, cơ quan chức năng các cấp của Hà Nội đang nỗ lực hết sức để khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Sự cố vụ cháy đã gây ra nỗi đau tột cùng cho những gia đình mất đi người thân, chắc chắn sẽ còn dai dẳng. Vậy nhưng, mấy chục mạng người vô tội, trong đó có cả trẻ em, liệu đã là bài học đủ lớn để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt những hành vi vi phạm trong phòng cháy chữa cháy cũng như công tác quản lý trật tự xây dựng của cơ quan chức năng tại các chung cư mini (?!).

Nạn nhân vụ cháy được đưa ra khỏi hiện trường
Nạn nhân vụ cháy được đưa ra khỏi hiện trường

Tính đến 18 giờ 40 phút, ngày 13/9, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người tử vong và 37 người bị thương trong tổng số khoảng 150 nhân khẩu đang sinh sống trong chung cư. Đây là vụ cháy có số người thương vong nhiều nhất trong những năm qua tại Việt Nam. 

Căn cứ vào kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP. Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với ông Nghiêm Quang Minh, chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy về tội: vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017).

Điều đáng nói, chung cư mini bị cháy đã từng được báo chí phản ánh về nguy cơ cháy nổ từ nhiều năm trước, khi tòa nhà chỉ được phép xây dựng 6 tầng, nhưng không hiểu bằng cách nào mà căn nhà trên vẫn được xây dựng thêm 3,5 tầng (?!).

Liên quan đến việc cháy nổ tại các chung cư mini, các chuyên gia cho rằng: nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả khôn lường, tồn tại nhiều năm qua chính là những sai phạm nghiêm trọng trong việc xây dựng cũng như cấp phép và quản lý xây dựng các khu nhà cho thuê, chung cư mini. 

Hàng nghìn công trình tại Hà Nội mọc lên “như nấm sau mưa” vượt quá quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ, nhưng vẫn đang sử dụng nhiều năm, không hề bị cơ quan chức năng xử lý.

Chủ đầu tư chỉ vì lợi ích cá nhân mà tìm mọi cách “lách luật”, cũng như khai thác tối đa diện tích cho thuê hoặc bán căn hộ. Họ không quan tâm, thậm chí “phớt lờ” những kiến nghị, lo lắng của người dân xung quanh khi xây dựng công trình quá mật độ cho phép, vượt chiều cao so với quy định.

Dư luận đặt ra câu hỏi sau mỗi vụ hỏa hoạn: tại sao chủ đầu tư vi phạm quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy thời gian dài mà không bị xử lý? liệu cơ quan chức năng liên quan có “buông lỏng” quản lý, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực để che giấu hành vi sai phạm của chủ đầu tư công trình, khi mà trước đó đã có nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người, mà nguyên nhân vẫn được cho là “sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc trang bị phương tiện chữa cháy - sự “buông lỏng” quản lý của cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý triệt để những sai phạm trong xây dựng” (?!)…

Bí thư Thành ủy Hà Nội
Bí thư Thành ủy Hà Nội,  Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, động viên nạn nhân vụ cháy tại phố Khương Hạ

Nâng cao hiệu quả công tác PCCC

Trưởng ban công tác đại biểu (Ủy ban thường vụ Quốc hội), Nguyễn Thị Thanh cho biết:

Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên phạm vi cả nước diễn biến phức tạp. Riêng trong 8 tháng năm 2023, xảy ra 2.031 vụ cháy.

Theo báo cáo của Chính phủ, cả nước hiện còn trên 38.000 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy và khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy.

Bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần tiếp tục tìm nguyên nhân, tại sao số lượng các cơ sở và tình trạng vi phạm cũng như việc cháy nổ xảy ra liên tiếp và còn nhiều đến vậy. Đồng thời, đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân và hiệu quả của các biện pháp phòng chống cháy nổ thời gian qua.

Thạc sĩ, luật sư, Trưởng Văn phòng Luật, Nguyễn An Bình và cộng sự (đoàn luật sư  Hà Nội) cho rằng, theo kết quả xác minh ban đầu, công trình có giấy phép xây dựng ngôi nhà thuộc loại nhà ở riêng lẻ 6 tầng, chứ không phải là chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tòa nhà chung cư. Nhưng thực tế, ngôi nhà này được xây dựng tới 9 tầng và 1 tum - nghĩa là đã vượt số tầng so với giấy phép xây dựng.

Theo quy định của pháp luật, xây nhà từ 7 tầng trở lên thì phải có thiết kế về phòng cháy chữa cháy, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi thi công công trình đảm bảo đúng thiết kế đã được phê duyệt, thì phải được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, mới đủ điều kiện đưa vào sử dụng.

Việc xây dựng sai với giấy phép (vượt 3 tầng, 1 tum), rõ ràng tòa nhà này sẽ không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt về thiết kế, cũng như nghiệm thu về kết quả thi công phòng cháy chữa cháy.

Theo luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH HOME (đoàn luật sư Hà Nội), cần làm rõ vì sao công trình xây dựng sai giấy phép với quy mô lớn như vậy lại được hoàn thiện và đưa vào sử dụng? trách nhiệm giám sát của chính quyền trong việc cấp phép xây dựng và quản lý đã được thực hiện ra sao; có hay không sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng?

Liên quan đến vụ việc này, ngày 15/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Ban thường vụ Thành ủy ký ban hành quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức đảng.

Theo đó, Ban thường vụ Thành ủy sẽ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân và Đảng ủy phường Khương Đình (Thanh Xuân), nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.

Việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng nêu trên, nhằm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Trước đó, ngày 13/9, UBND TP. Hà Nội có Công điện hỏa tốc chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini).

Theo đó, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục bám sát mục tiêu, yêu cầu, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn.

Lãnh đạo thành phố giao cơ quan công an thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Dư luận lo lắng, liệu rằng, không biết ngày mai sẽ có thêm vụ cháy tương tự nào xảy ra; giá như lực lượng chức năng sát sao, trách nhiệm hơn trong việc xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy, về trật tự xây dựng, theo đúng quy định, thì sẽ không xảy ra sự cố đáng tiếc - cần phải xác định nguyên nhân gốc rễ, quy trách nhiệm rõ ràng của cá nhân, tổ chức liên quan, để có giải pháp căn cơ triệt để. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!

Ngày 13/9/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 796/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu:

UBND TP. Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy… 

Nguyễn Kiên

Bài liên quan

Tin mới

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sáng ngời bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sáng ngời bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - cách đây 70 năm - giáng một đòn chí mạng vào các nước phương Tây, cũng như nỗ lực duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp. Lần đầu tiên, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ bé tại châu Á - đã đánh bại quân đội một cường quốc tại châu Âu, tạo ra một cơn địa chấn chính trị, làm rung chuyển toàn thế giới…

Thông cáo Báo chí về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV
Thông cáo Báo chí về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV

Chiều 2/5/2024, Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV đã diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội để thực hiện các nội dung quan trọng.

Bảo đảm nguồn điện phục vụ cầu truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bảo đảm nguồn điện phục vụ cầu truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công ty Điện lực Thanh Hóa đã xây dựng phương án cụ thể bảo đảm nguồn điện phục vụ tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa.

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội
Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội

Tại kỳ họp bất thường thứ 7, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.

Thanh Hóa: Tăng tốc để đường dây 500kV mạch 3 về đích đúng tiến độ
Thanh Hóa: Tăng tốc để đường dây 500kV mạch 3 về đích đúng tiến độ

Thanh Hóa cam kết, chậm nhất đến ngày 30/5 sẽ đảm bảo mặt bằng sạch 100% khoảng néo để đủ điều kiện đóng điện, đưa công trình đường dây 500kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) vận hành trước ngày 30/6/2024 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hóa đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2024
Thanh Hóa đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2024

Chiều 2/5, ông Lê Đức Giang, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2024. Cùng tham dự có các thành viên Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đại diện các địa phương và chủ thể sản xuất.