Cần làm rõ nhiều nội dung
Thương hiệu & Công luận nhận được đơn thư của anh Nguyễn Hữu Kiên (SN 1990, thôn 2, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội) - là một trong 4 bị cáo đã được Toà án Nhân dân (TAND) huyện Mê Linh, đưa ra xét xử Sơ thẩm trong vụ án “cố ý gây thương tích” - diễn ra 2 ngày (16-17/5/2019).
Bốn bị cáo tại Phiên tòa xét xử sơ thẩm
Trong đơn thư, anh Kiên cho rằng, khi xảy ra vụ án, có nhiều điều cơ quan chức năng chưa làm rõ, đặc biệt quá trình xét xử ở Tòa, nhiều điểm khi các bị cáo kiến nghị cần phải làm rõ, nhưng Hội đồng xét xử (HĐXX) kiên quyết bác bỏ?
Thương hiệu & Công luận trích đăng một phần nội dung đơn thư như sau:
... “Thời điểm tôi sang phần đất (Nguyễn Hữu Kiên) đang tranh chấp giữa gia đình mình và gia đình của bị hại là anh Nguyễn Khắc Dũng, thì bị anh này chửi bới rồi dùng tay đánh vào đầu và đẩy ra khiến chiếc búa tạ mà tôi (anh Kiên) cầm theo bị rơi.
Sau đó, anh Dũng chạy vào trong khu đất lấy xẻng từ vợ vụt 2 phát về phía tôi, một phát trúng sau gáy làm tôi rách đầu, chảy máu. Tôi quay người lại, tóm được chiếc xẻng và vật lộn với anh Dũng và bị chị Hằng (em gái anh Dũng) và chị Toán (vợ anh Dũng) cầm xẻng đánh nhiều nhát về phía tôi vào phần tay, chân dẫn đến chảy máu. Nhóm bạn tôi thấy thế nên đã lao vào đánh trả lại gia đình anh Dũng để giúp tôi…
Diễn biến vụ việc có rất nhiều người chứng kiến ngay từ đầu, nhưng cơ quan điều tra lại bỏ sót những người làm chứng quan trọng này.
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định thương tích của tôi và những người gia đình anh Dũng. Tuy nhiên, tôi chỉ được cơ quan điều tra thông báo kết luận giám định thương tích của tôi, còn kết luận giám định của người nhà anh Dũng thì không thông báo cho tôi. Chỉ đến khi nhận được bản kết luận điều tra, tôi mới biết thương tích của những người nhà anh Dũng.
Cáo trạng gửi cho tôi chưa làm rõ được hành vi cụ thể, vai trò của những người có liên quan. Cơ quan điều tra chưa làm rõ hành vi cụ thể mỗi người, thương tích của tôi và nhóm người nhà anh Dũng là ai gây ra. Trong khi chúng tôi không bàn bạc, không phân công nhiệm vụ cho mỗi người…
Phiên Sơ thẩm ngày 16 - 17/5, dù chúng tôi liên tục kêu oan và đề nghị TAND huyện Mê Linh xem xét thấu đáo, tìm hiểu sự thật vụ án, nhưng Chủ tọa kiên quyết bác bỏ tất cả những điều kiện, và phán xét tôi 5 năm 6 tháng tù”...
Cáo trạng và bản án không xác định cụ thể hành vi phạm tội của các bị cáo?
Được biết, trong 2 ngày (16 và 17/5), TAND huyện Mê Linh đã đưa 4 bị cáo trong vụ án “cố ý gây thương tích” ra xét xử sơ thẩm.
Trong đó, gồm: Nguyễn Hữu Kiên (SN 1990, thôn 2, xã Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội), Hoàng Văn Phú (SN 1998, thôn Phủ, xã Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh), Trần Văn Tuấn (SN 1995, thôn Tân Hội, xã Trần Phú, Chương Mỹ, Hà Nội), Tống Văn Bình (SN 1997, thôn Sa Lung, Đồng Sơn, Nam Trực, Nam Định).
Bị hại là Nguyễn Khắc Dũng (SN 1978), Lê Thị Hiền (SN 1960, mẹ Dũng), Nguyễn Khắc Sinh (SN 1958, bố Dũng), cùng trú ở thôn 2, xã Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa là ông Trần Minh Đăng.
Khu đất đang xảy ra tranh chấp. Mặc dù, đã bị UBND xã Thạch Đà đình chỉ, tuy nhiên gia đình ông Nguyễn Khắc Dũng vẫn ngang nhiên xây dựng. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến vụ việc...
Theo Cáo trạng của VKSND huyện Mê Linh thì: “Giữa hai gia đình ông Nguyễn Hữu Định (SN 1953, bố của bị cáo Kiên) và ông Nguyễn Khắc Sinh có xảy ra tranh chấp đất đai. Mặc dù, UBND xã Thạch Đà có thông báo ngày 21/6/2018 về việc giữ nguyên hiện trạng, không phát sinh tranh chấp xây dựng mới để chờ cơ quan chức năng giải quyết, nhưng đến đầu tháng 7/2018, thì con ông Sinh là Nguyễn Khắc Dũng vẫn ngang nhiên xây nhà trên phần đất này.
Thấy vậy, bị cáo Kiên mới có ý định can ngăn. Bị cáo này sau đó, gọi điện cho bị cáo Phú về nhà chơi và nhờ ngăn cản chuyện Dũng xây nhà trên phần đất tranh chấp.
Đến sáng 8/8/2018, Phú rủ thêm Tuấn, Bình và Lê T.T (SN 2001, ở Hưng Yên, là bạn gái Tuấn) sang nhà Kiên, nhưng do ít người nên việc ngăn cản chưa thực hiện. Ngày 9/8/2018, Phú cùng 5 người bạn đã hẹn trước và cùng nhau đến nhà Kiên.
Khi đến nơi, bị cáo Kiên có nhờ một thợ xây đi mua giúp một cây tuýp sắt phi 27 về cắt ra thành 8 đoạn ngắn, cắt vát một đầu, dài khoảng 1 m.
Đến khoảng 9h cùng ngày, bị cáo Kiên cầm theo một cây búa tạ đi bộ sang khu đất đang tranh chấp, còn nhóm của Phú đi sau.
Khi sang đến nơi, Kiên đã bị Dũng tóm cổ áo đuổi ra ngoài. Lúc này, Kiên vung búa tạ về phía Dũng, nhưng không trúng và búa bị rơi xuống đất. Tiếp đó, Dũng giằng xẻng của vợ đang cầm lao vào vụt Kiên, nhưng bị cáo này tránh được.
Cùng thời điểm, nhóm Phú đi tới và cũng xảy ra xô xát với người nhà Dũng. Trong lúc xô xát, Phú có vung tuýp sắt trúng ngực ông Sinh. Còn ông Sinh cũng nhặt một đoạn cây cốt pha và cùng người nhà đánh trả nhóm của Kiên...
Việc xô xát xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, sau đó nhóm Kiên rút về. Khi nhóm bị cáo Phú lên xe taxi về Hà Nội, thì Kiên gọi quay trở lại “giúp” thêm lần nữa và được Phú đồng ý.
Do Kiên bị thương nên sau đó được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Mê Linh sơ cứu. Khi Kiên về nhà, thì Công an mời lên trụ sở để làm việc.
Về phía gia đình anh Dũng, ông Sinh, bà Hiền đã cùng nhau đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Yên (Vĩnh Phúc).
Nhóm của Phú, khi nhận được điện thoại của Kiên, thì gọi thêm một số người khác rồi cùng nhau quay trở lại phần đất tranh chấp (lúc này Kiên đang ở trụ sở Công an xã, người nhà bị hại Dũng đang ở bệnh viện). Đến nơi, nhóm Phú xảy ra cãi vã với người nhà Dũng, rồi nhóm ném một vật màu đen vào phía nhà gây ra tiếng nổ, nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản.
Theo kết luận giám định thương tích thì, anh Dũng bị tỷ lệ tổn hại sức khỏe 12%; bà Hiền là 12%; và ông Sinh là 3%. Riêng anh Kiên, bị tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 4%...”.
Chỉ trong buổi sáng 16/5, HĐXX phiên tòa đã phải tạm hoãn tới 3 lần để hội ý với lý do luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên đề nghị triệu tập thêm nhân chứng, cáo trạng của VKSND huyện Mê Linh chưa làm rõ được vai trò của từng bị cáo…
Tuy nhiên, sau cả 3 lần hội ý, HĐXX kiên quyết bác bỏ các kiến nghị và tiếp tục xét xử.
Sau phần nghị án, HĐXX vẫn kiên quyết tuyên phạt bị cáo Kiên và Phú 5 năm 6 tháng tù; bị cáo Tuấn và Bình cùng nhận mức phạt 5 năm tù.
Về dân sự, cả 4 bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bị hại Dũng, tổng số tiền 31,876 triệu đồng; bồi thường cho bà Hiền là 19,766 triệu đồng, ông Sinh là 6,020 triệu đồng.
Ngoài ra, bị cáo Kiên và Phú còn phải bồi thường cho chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên (em dâu Dũng) là 6,380 triệu đồng…
Luận sư đề nghị làm rõ nhiều tình tiết của vụ án
Theo luật sư bào chữa cho các bị cáo thì: “Quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm vụ án, có nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ, chưa làm rõ được nhiều vấn đề mang tính quyết định đến việc giải quyết vụ án. Trong bản án, cũng chưa phản ánh hết các nội dung và diễn biến tại phiên tòa.
Theo đó, cần làm rõ diễn biến hành vi ban đầu của bị cáo Nguyễn Hữu Kiên và của người bị hại Nguyễn Khắc Dũng. Xác định, làm rõ hành vi của từng bị cáo.
Việc không lấy lời khai của những người làm chứng, chứng kiến sự việc từ ban đầu là thiếu sót nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, đáng lẽ ra, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập tất cả các chứng cứ cần thiết, nhưng trong trường hợp này, chủ yếu chỉ có chứng cứ buộc tội, bất lợi cho bị cáo, một số nguồn chứng cứ có thể có lợi thì không được quan tâm thu thập?
Về nguyên tắc, tòa án chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu người bị hại có yêu cầu. Tại phiên tòa, các bị hại chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất, không yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần. Vậy mà, không hiểu lý do gì, Tòa án tuyên các bị cáo phải bồi thường do tinh thần của người bị hại bị ảnh hưởng…” (?!).
PV