Theo đó, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, tòa án tỉnh xét thấy cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được.
Vì vậy, căn cứ vào Điểm b Khoản 1 Điều 277 và Điểm a Khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa, đã ra quyết định trả hổ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang để yêu cầu điều tra bổ sung.
Bị can Nguyễn Thanh Hoài nghe đọc quyết định khởi tố
Trước đó, ngày 25/5/2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang thụ lý vụ án hình sự sơ thẩm số 25/2019/TLST-HS đối với 5 bị can.
Trong đó, các bị can Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị can Triệu Thị Chính bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các bị can Phạm Văn Khuông, Lê Thị Dung bị truy tố về tội “Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 366 Bộ luật hình sự năm 2015.
Kết quả điều tra đã xác định, các bị cáo Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Triệu Thị Chính, Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để can thiệp vào 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm của 107 thí sinh, qua đó nâng điểm cho 107 thí sinh này.
Đáng chú ý, theo kết luận điều tra và cáo trạng vụ án này, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hà Giang chưa làm rõ được vai trò, trách nhiệm cũng như quá trình tác động của 210 vị phụ huynh đối với 8 bị can để nâng điểm cho 107 thí sinh; cũng như chưa làm rõ được có hay không chuyện "chi tiền chạy điểm" trong vụ án này.
Hằng Vương