Hàng loạt lao động người Việt kêu cứu ở Nga?

Liên quan đến đến vụ việc Công ty CP xuất nhập khẩu Hải Dương (Inimexco Hải Dương), Chi nhánh Hà Nội bị “tố” vi phạm các quy định của hợp đồng khi đưa lao động sang làm việc tại Liên bang Nga (Nga), trao đổi với PV, luật sư Trương Anh Tú  - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng DN này có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm quy định của pháp luật.

Hàng loạt lao động Việt Nam tại Nga đang rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đât”

Như báo Thương hiệu và Công luận đã có bài: “Hàng loạt lao động người Việt kêu cứu ở Nga?”, phản ánh về việc Công ty CP xuất nhập khẩu Hải Dương đã vi phạm hợp đồng lao động đã ký, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động…

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Anh Tú cho biết: “Theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật xuất khẩu lao động), hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Như vậy, nếu doanh nghiệp không được cấp phép mà nhận tiền đưa người lao động sang nước ngoài thì  hành vi đó có dấu hiệu lừa đảo”.

Đối với trường hợp của Công ty CP xuất nhập khẩu Hải Dương, Chi nhánh Hà Nội đưa người lao động sang Nga làm may mặc thì doanh nghiệp này đã phạm vào một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Đó là: đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, ngành, nghề và công việc bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc không được nước tiếp nhận người lao động cho phép.Vì vậy, doanh nghiệp này phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, trong đó có việc đưa lao động về nước và bồi thường thiệt hại”.

Luật sư Tú cho biết thêm: “ Doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, có nhận tiền và đưa lao động xuất khẩu sai luật thì có thể chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định về giải quyết và xử lý vi phạm theo Luật này. Đồng thời, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ chi phí đi lại, lưu trú và xuất nhập cảnh cho người lao động”.

Như vậy, sai phạm của Công ty CP xuất nhập khẩu Hải Dương đã rõ. Tuy nhiên tại sao, doanh nghiệp lại chậm chạp trong việc đưa lao động về nước khiến vụ việc kéo dài gây hoang mang, bức xúc cho người lao động?

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động đang kêu cứu tại Nga, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Chương VII: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ XỬ LÝ VI PHẠM theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định:

Điều 74. Xử lý vi phạm

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 75. Xử phạt vi phạm hành chính

1. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

3. Ngoài hình thức xử phạt chính, các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thu hồi Giấy phép;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

4. Ngoài hình thức xử phạt chính và bổ sung, các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Đình chỉ có thời hạn hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Điều 14 của Luật này;

b) Tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động;

c) Đưa người lao động về nước theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;

d) Bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

đ) Các biện pháp khác do Chính phủ quy định.

5. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

6. Ngoài hình thức xử phạt chính quy định tại khoản 5 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung buộc về nước.

7. Chính phủ quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính ở ngoài nước trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người lao động vi phạm.

Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Hoan Nguyễn – Nam Hưng