LTS: Ở bài viết “Thuốc dược phẩm “trắng” thông tin bày bán tại Chợ “vùng biên” Móng Cái” được đăng tải ngày 12/04/2024 trên Tạp chí điện tử Thương hiệu và Công luận, phản ánh về tình trạng bày bán công khai các sản phẩm hàng hoá nhái thương hiệu, hàng hoá vi phạm tem nhãn; bày bán các loại thuốc có tiếng nước ngoài không có số đăng ký, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ… tại chợ Trung tâm Móng Cái.
Với mong muốn “thanh lọc” thị trường, để người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm hàng hoá chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng. Qua tuyến bài này, Thương hiệu và Công luận mong rằng sẽ đóng góp một phần tiếng nói vào công cuộc làm trong sạch thị trường thuốc dược phẩm nước ngoài trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Mua sỉ thuốc tân dược nhập lậu ở Chợ Trung tâm Móng Cái “dễ như mua rau”
Như đã phản ánh ở bài viết trước, phóng viên trong vai một khách du lịch qua bàn trực của Ban quản lý chợ Trung tâm Móng Cái hỏi về địa điểm bán các loại thuốc Trung Quốc và được nhân viên hướng dẫn lên tầng 3 của khu Chợ Trung tâm.
Qua quá trình tìm hiểu từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, phóng viên bất ngờ trước việc các loại thuốc của Việt Nam, Thái Lan và đặc biệt là thuốc Trung Quốc không đúng quy định được bày bán rất nhiều tại các quầy hàng. Các loại thuốc được bày bán rất đa dạng, từ thuốc bôi ngoài da đến thuốc uống; từ thuốc nhỏ mắt đến các loại dầu, cao xoa bóp; từ thuốc trị ho đến thuốc trị dạ dày; từ thuốc kháng sinh liều thấp đến kháng sinh liều cao….
Khi phóng viên có nhu cầu mua sỉ về bán, chủ quầy thuốc này cho hay: “Nếu lấy số lượng lớn thì giá càng tốt, còn lấy từ 10 hộp mỗi loại thì sẽ chỉ giảm được ít so với giá bán lẻ tại chợ. Đấy là giá giao để về bán rồi đấy.”
“Các cô cứ lấy về bán, kết bạn zalo với tôi, cho tôi địa chỉ tôi sẽ gửi thuốc tận nơi. Nếu thích loại thuốc nào cũng Trung Quốc cứ gửi ảnh sản phẩm, loại nào tôi cũng lấy được” Chủ quầy thuốc cho hay.
Liệu điều này có vô tình tiếp tay cho việc buôn lậu thuốc tân dược một cách công khai khắp cả nước?
Ngay sau khi có phản ánh của Thương hiệu và Công luận, ngày 12/04, UBND thành phố Móng Cái ngay lập tức ban hành văn bản số 1090/UBND-VP về việc kiểm tra, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm theo nội dung thông tin Tạp chí Thương hiệu và Công luận phản ánh.
Ngày 13/04, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh vừa phối hợp lực lượng chức năng liên quan trên địa bàn tiến hành kiểm tra 2 hộ kinh doanh tại địa chỉ tại chợ Trung tâm TP. Móng Cái, phường Trần Phú, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, qua kiểm tra cơ sở kinh doanh V.V.T, lực lượng chức năng phát hiện 1.196 sản phẩm thuốc tân dược, nghi nhập lậu;
Tiếp đó, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh N.V.N, lực lượng chức năng phát hiện 962 sản phẩm thuốc tân dược, nghi nhập lậu.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cơ sở trên chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.
Đội Quản lý thị trường số 4 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh, làm rõ, xỷ lý theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu?
Thuốc được quy định là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó, không phải ai và qua hình thức nào cũng có thể bán thuốc, đặc biệt là các loại thuốc có nguồn gốc từ nước ngoài.
Cụ thể, Căn cứ Điều 11 Luật Dược 2016 quy định các vị trí công việc phải có Chứng chỉ hành nghề dược, bao gồm: Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược; Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Sử dụng thuốc dược phẩm nước ngoài không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã để lại những biến chứng khôn lường đối với người sử dụng. Đã có nhiều trường hợp phải nhập viện để điều trị, thậm chí tử vong do sử dụng thuốc nước ngoài không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, trường hợp người phụ nữ 64 tuổi ở Phú Thọ nhập viện sau 3 ngày uống thuốc giảm đau được mua ở nước ngoài, không có tem phụ.
Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp và chấn thương sọ não cũ do tai nạn giao thông, không có di chứng. Cách ngày vào viện 5 ngày, người bệnh bị đau tay nên đã tự uống 1 loại thuốc giảm đau của Thái Lan (bệnh nhân thấy chồng cũng uống thuốc này đỡ đau nên đã tự uống), mỗi ngày uống 4 viên chia 2 lần.
Sau uống thuốc 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, ợ chua, ợ hơi và mệt mỏi. Sau 2 ngày tự theo dõi ở nhà nhưng không đỡ, người bệnh đã đến bệnh viện tỉnh khám. Lúc vào viện, người bệnh tỉnh, đau bụng thượng vị, mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt...
Sau khi có kết quả nội soi tiêu hóa, người bệnh được chẩn đoán: Xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do loét dạ dày, loét hành tá tràng. Sau đó, bệnh nhân được điều trị thở oxy, truyền dịch, truyền máu, giảm tiết niêm mạc dạ dày.
Hay như trường hợp bệnh nhân được Trung tâm Y tế H.Kỳ Sơn (Nghệ An) tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc thuốc tự mua trên mạng về uống để chữa bệnh. Sau khi uống thuốc bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị ngộ độc thuốc, suy gan, suy tủy.
Hoặc đối với các loại thuốc bôi ngoài da Trung Quốc được quảng cáo là rất hiệu quả, thế nhưng cũng đã có những trường hợp để lại những biến chứng như nở loét, nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu,...
ThS. BS Trần Nguyên Ánh Tú - Phó Trưởng Khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám vì da bị tổn thương do sử dụng các loại kem bôi ngoài da không rõ nguồn gốc. Các loại kem bôi da được quảng cáo rất hấp dẫn này thường chứa thành phần không an toàn cho da, trong đó có corticoid. Khi mới sử dụng da thường nhanh chóng có tác dụng nên đa số hợp với tất cả loại da nên bệnh nhân có tâm lý rất hài lòng.
Nhưng sau vài ngày đến vài năm da bắt đầu mỏng đi, nổi các mạch máu đỏ, xuất hiện vết nám, mụn trứng cá và trở nên rất nhạy cảm, thường xuyên ngứa rát, châm chích... gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng: Trước hết, các thành phần điều trị không đúng sẽ không thể giúp da khỏi bệnh mà ngược lại làm tổn thương da càng nặng hơn, lan rộng hơn. Chưa kể các loại kem và thuốc bôi này còn có khả năng gây kích ứng, dị ứng, làm da bong tróc, đỏ rát, sưng nề, nổi mụn nước, rỉ dịch... Đặc biệt, trên người đã có các bệnh lý da sẵn thì tình trạng tổn thương da càng trầm trọng, nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị.
“Người dân, cần tiếp cận thông tin chính thống, có cơ sở khoa học, khi có bệnh nên đi khám bác sĩ, có sự tư vấn của giới chuyên môn khi sử dụng thuốc để tránh tác dụng phụ của thuốc có thể gây chết người. Ở nhóm bệnh nhân suy thận, suy gan, bệnh lý mạn tính khác, nguy cơ biến chứng, nguy hiểm tính mạng nếu dùng tùy tiện như các trường hợp trên". Một số chuyên da cảnh báo
Qua quá trình thâm nhập của phóng viên Thương hiệu và Công luận có thể thấy rằng thuốc tân dược Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ được các chủ quầy thuốc bày bán công khai dưới sự kiểm soát của Ban Quản lý chợ Trung tâm Móng Cái. Liệu đây có phải sự tiếp tay cho thuốc tân dược lậu “hoành hành” ở nội địa? Trách nhiệm của Ban Quản lý chợ Móng Cái ở đâu?
Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả là, mặc dù việc kinh doanh buôn bán thuốc tân dược không đúng quy định một cách công khai này diễn ra đã lâu, nhưng chỉ tới khi Tạp chí Thương hiệu và Công luận phản ánh thì cơ quan chức năng thành phố Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung mới vào cuộc kiểm tra xử lý?
Việc thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, kiểm soát lỏng lẻo, thuốc không bảo đảm đúng quy định đã vào trung tâm chợ bán cho bệnh nhân, uống thuốc trôi nổi đang để lại hậu quả nghiêm trọng. Cần phải có giải pháp tăng cường quản lý, xử lý nghiêm của cơ quan quản lý.
Đề nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục quản lý thị trường, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn khi để xảy ra tình trạng trên bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Khánh Quyên