Cụ thể, video này có tên “Lần đầu thử chơi Mai Thuý và…” được đăng tải bởi kênh ***troll, có hơn 800.000 người đăng ký. Sau gần một tháng tồn tại, video này không những không bị gỡ xuống mà còn đạt hơn 700.000 lượt xem và vẫn được gắn quảng cáo.

Vụ Khá Bảnh vừa lắng xuống, trên MXH lại xuất hiện video hướng dẫn chơi ma túy - Hình 1

Video lần đầu chơi ma túy nằm trong phần đề xuất trên ứng dụng YouTube dành cho TV

Ngoài video liên quan đến ma túy, kênh này còn có hàng loạt nội dung hướng dẫn bỏ các chất nguy hiểm vào thuốc lá điện tử để hút.

Theo lời nhân vật trong video, loại chất bột được anh ta sử dụng chỉ là mì chính và bột gạo để trêu chọc (troll) bạn bè. Tuy vậy, trong suốt video, người này không có phát ngôn về các tác hại khi sử dụng ma túy. Đồng thời, người này cũng hít hợp chất "ketamin bột gạo và mỳ chính" thật sự mà không có các cảnh báo về rủi ro sức khỏe.

Vụ Khá Bảnh vừa lắng xuống, trên MXH lại xuất hiện video hướng dẫn chơi ma túy - Hình 2

Video độc hại vẫn được YouTube trả tiền để hiển thị quảng cáo

Theo chính sách do YouTube đặt ra ghi rõ: "Những nội dung nhằm khuyến khích các hoạt động nguy hiểm hoặc phi pháp có tiềm ẩn rủi ro gây tổn thương cơ thể nghiêm trọng hoặc gây tử vong không được phép xuất hiện trên YouTube". 

"Chế tạo hoặc sử dụng thuốc ma túy cực mạnh, mô tả người lạm dụng các chất được kiểm soát như cocaine hoặc opioid hoặc nội dung hướng dẫn cách chế tạo ma túy. Chúng tôi có thể cho phép đăng video mô tả hành vi nguy hiểm nếu mục đích chính của video đó là mang tính giáo dục, cung cấp tư liệu, phục vụ khoa học hoặc nghệ thuật (EDSA) và không chứa hình ảnh phản cảm vô cớ", YouTube viết trong phần chính sách.

Trước đó, trong vụ việc Khá Bảnh bị bắt, phía Google đã đưa ra phát ngôn: “Gần đây, chúng tôi đối mặt với các hành vi tiêu cực của một số YouTuber làm tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trong mắt các nhà quảng cáo, ngành công nghiệp truyền thông và quan trọng nhất là công chúng.

Đối với những hành vi này, chúng tôi cam kết thắt chặt các chính sách của YouTube và sẽ thông tin một cách nhanh chóng và minh bạch hơn. Chúng tôi đã ban hành các biện pháp xử lý mới đối với những trường hợp cá biệt khi hành vi tiêu cực của một nhà sáng tạo làm ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng”.

Động thái đáng hoan nghênh này được xem là nỗ lực rất lớn của YouTube trong việc làm sạch nội dung độc hại gây hệ lụy cho giới trẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, dường như nền tảng video tỷ người xem này vẫn chưa thực hiện được những điều mình đã hứa hẹn.

Dư luận phản ứng, cần loại bỏ ngay những video độc hại này ra khỏi cộng đồng mạng xã hội.

Hằng Vương (t/h)