THCL Tổng cục Hải quan vào cuộc tìm hiểu về Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu Việt Nam sau khi nhiều chuyên gia lo ngại về dự án của doanh nghiệp này.

Vụ kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam: Tổng cục Hải quan vào cuộc - Hình 1

Tổng cục Hải quan vào cuộc vụ kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam của công ty TNHH nhôm Toàn Cầu Việt Nam

Tổng cục Hải quan vào cuộc

Ngày 24/2, Tuổi trẻ TP.HCM dẫn nguồn tin riêng cho biết, Tổng cục Hải quan đề nghị phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để nắm thông tin về Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu Việt Nam, đóng tại KCN Mỹ Xuân B1-Conac, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ thể, Cục điều tra, chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đề nghị cung cấp các giấy tờ liên quan đến đăng ký kinh doanh, chủ sở hữu, giấy phép… Ngoài ra, cơ quan này còn đề nghị cung cấp hồ sơ pháp lý của một số công ty khác có liên quan đến kho vận, logistics. 

Một lãnh đạo của Cục điều tra chống buôn lậu cũng xác nhận với Tuổi trẻ, cơ quan này đang tìm hiểu những liên quan về việc sản xuất nhôm của công ty trên.

Theo tìm hiểu, vào cuối năm 2016, Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu Việt Nam đưa về huyện Tân Thành khối lượng nhôm phôi, làm nguyên liệu rất lớn, gửi tại các kho ngoại quan ở KCN Phú Mỹ 1.

Sau đó, Công ty này có công văn gửi ngành chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xin phép được mở rộng dự án tại huyện Tân Thành bằng việc bổ sung dây chuyền nấu luyện xi nhôm với công suất hàng nghìn tấn thành phẩm/năm.

Dự án này do hai người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc góp vốn làm chủ đầu tư. Đó là ông Jacky Cheung (35 tuổi) và ông Wang Tong (36 tuổi).

Toàn bộ hàng hóa sản xuất ở nhà máy này được xuất khẩu, với quy mô 200.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 250 triệu USD.

Theo giấy phép đầu tư do Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động của dự án là 37 năm, kể từ năm 2011. Trong dự án này, ông Jacky Cheung góp vốn gần 500 tỉ đồng, còn ông Wang Tong góp gần 4.500 tỉ đồng.

Hết sức cảnh giác

Trước khi Tổng cục Hải quan vào cuộc tìm hiểu về Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu Việt Nam, nhiều chuyên gia khi biết kế hoạch của doanh nghiệp này đã lên tiếng bày tỏ nhiều lo ngại.

Ông Phạm Chí Cường - chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam, khẳng định hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được nhôm do chưa điện phân được alumin nên “có thể nói Việt Nam chưa có ngành sản xuất nhôm”.

Do chưa có đủ thông tin nên ông Cường cho rằng rất khó xác định số nhôm này được dùng làm nguyên liệu cho nhà máy của Công ty nhôm Toàn Cầu hay nhằm vào mục đích khác. 

“Nếu là nhôm nguyên liệu phải được qua một loạt công đoạn chế biến khác mới có thể sản xuất ra nhôm thành phẩm”, ông Cường nói.

Tỏ ra thận trọng hơn, ông Nguyễn Văn Sưa - phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng chúng ta cần hết sức cảnh giác với kho nhôm này.

Theo ông Sưa, cách đây ba năm, Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) từng sang làm việc với VSA do nghi ngờ sản phẩm tôn mạ từ Việt Nam xuất sang EU có dấu hiệu gian lận xuất xứ nguồn gốc.

Cụ thể, OLAF nghi ngờ sản phẩm tôn mạ được xuất đi từ Việt Nam là của doanh nghiệp Trung Quốc đứng đằng sau, do Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá tại EU.

“Dù chưa có kết quả chính thức, nhưng điều đó cho thấy các nước hết sức cảnh giác trước hiện tượng bỗng dưng gia tăng đột biến một sản phẩm nào đó mà trước đây Việt Nam xuất khẩu chưa nhiều, hoặc có rất ít”, ông Sưa cảnh báo.

Theo Báo Đất Việt