(TH&CL) Ông Lương Hạnh, Giám đốc Công ty CP Quảng Cường, có đầy đủ giấy phép sử dụng vật liệu nổ trong việc khai thác khoáng sản và chỉ cấp vật liệu nổ cho công nhân sử dụng để khai thác khoáng sản tại mỏ của DN, không gây thiệt hại cho Nhà nước và công dân. Song không hiểu vì sao, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Quảng Nam) khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam Giám đốc Lương Hạnh về tội “mua bán và sử dụng trái phép vật liệu nổ”?
Ông Lương Hạnh (SN 1952), quê quán tại xã Đại Cường (Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Lớn lên, ông tham gia cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau đó làm công nhân tại TP. HCM cho đến lúc về hưu. Với ý chí vươn lên, sau khi nghỉ hưu, ông đã thành lập DN và trở thành doanh nhân thành đạt tại TP. HCM.
Năm 2006, ông đã rời cuộc sống sung túc tại TP. HCM, trở về quê, thành lập Công ty CP Quảng Cường, mục tiêu nhằm góp phần xây dựng quê hương, điều này đã được nhiều cơ quan, tổ chức và công dân huyện Đại Lộc ghi nhận. DN hoạt động chủ yếu là đầu tư du lịch sinh thái, sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản.
Về cơ sở pháp lý trong hoạt động khai thác khoáng sản, ngày 27/11/2008, UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 3945/QĐ-UBND, theo đó Cho phép Công ty CP Quảng Cường được khai thác, chế biến vàng gốc tại khu vực thôn Hà Thanh, xã Đại Đồng (Đại Lộc); cho Công ty CP Quảng Cường thuê đất sử dụng (diện tích đất 3,825 ha) vào mục đích hoạt động khoáng sản.
Ngày 04/02/2009, Phòng CS QLHC TTXH (Công an tỉnh Quảng Nam) cấp Giấy xác nhận số 167/09 XNĐK về việc đủ điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác vàng gốc cho Công ty Quảng Cường. Trong việc sử dụng vật liệu nổ, Công ty Quảng Cường chỉ cấp vật liệu nổ cho công nhân nổ mìn để khai thác tại mỏ của đơn vị, không bán vật liệu nổ ra ngoài. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Quảng Nam) lại khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Giám đốc Lương Hạnh?
Ngày 14/12/2010, UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số A184/QĐ-UBND cho phép Công ty CP Quảng Cường được sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác vàng gốc tại mỏ thôn Hà Thanh, xã Đại Đồng (Đại Lộc). Vậy mà, mãi đến năm 2012, Cơ quan An ninh điều tra mới khởi tố vụ án hình sự? Trong khi Công ty Quảng Cường hoạt động khai thác mỏ đều có các cơ quan chức năng giám sát và kiểm tra hàng quý, hàng năm và đều có biên bản kiểm tra; ở đây chưa xử lý các cơ quan chức năng có trách nhiệm để xảy ra sự việc mà đã xử lý đương sự?
Vụ án hình sự hiện nay đã được tạm đình chỉ và thả toàn bộ các bị can có liên quan trong vụ án. Nhưng người dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vẫn còn vô cùng bức xúc. Người dân khẳng định, ông Lương Hạnh chưa bao giờ làm điều sai trái, chỉ luôn làm điều tốt đẹp vì quê hương. Vì sao Cơ quan An ninh điều tra lại bắt và kết tội ông? Phải chăng, ở đây có điều gì ẩn khuất? Nhiều cơ quan, tổ chức và công dân huyện Đại Lộc đang mong chờ vụ án được đình chỉ để ông Lương Hạnh tiếp tục thực hiện những hoài bão của mình trong việc phát triển kinh tế và xây dựng quê hương.
Căn cứ để đình chỉ vụ án hình sự theo khoản 1 Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định: “Viện Kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật Hình sự”. Theo đó, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Ở đây, Công ty Quảng Cường không gây thiệt hại và nguy hiểm cho xã hội và không có một lá đơn nào của cơ quan, tổ chức và công dân tố cáo Giám đốc Lương Hạnh.
Trước vụ việc bắt giam người đáng tiếc đó, ngày 24/8/2012, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Đại Lộc có Công văn Liên tịch số 01/CV-LT với 4 con dấu trên một văn bản, gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam để kêu cứu, kêu gọi giúp đỡ cho ông Lương Hạnh, để ông tiếp tục thực hiện những dự án còn đang dang dở của mình.
Thành Công