Toàn bộ giáo viên sẽ không được ăn sáng tại trường          

Chiều 19/04, cuộc họp giữa Ban giám hiệu trường Đoàn Thị Điểm Ecopark và phụ huynh học sinh đã diễn ra hết sức căng thẳng. Trước đó, ban đại diện cha mẹ học sinh phản ánh trường đã hoạt động được gần 4 năm, nhưng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn khiến họ lo lắng.

Vụ VSATTP tại Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark: Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu - Hình 1

Nhiều phụ huynh đến tham dự cuộc đối thoại với Ban giám hiệu Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark

“Trong năm học 2016 – 2017, ban đại diện phụ huynh đã đi kiểm tra và phát hiện ra nhiều sai phạm như: Nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, được cung cấp bởi những nhà cung cấp nhỏ lẻ tại chợ Bún, Đa Tốn hay chợ Nguyễn Công Trứ…; không có quy trình giao nhận nguyên vật liệu rõ ràng, thiếu định lượng thực phẩm; Khu vực chế biến trong bếp bẩn, chuột, muỗi…; dầu ăn bị tái sử dụng nhiều lần, mà không sử dụng các biện pháp thấm lọc đảm bảo quy trình VSATTP, khiến dầu rán biến dạng về màu sắc và chất lượng, đặc biệt dầu đen đặc”, ban phụ huynh nêu rõ.

Theo các phụ huynh, mặc dù trường đã thừa nhận sai phạm, ký biên bản, và cam kết khắc phục, nhưng qua những lần kiểm tra đột xuất không báo trước của Ban đại diện cha mẹ học sinh vào các ngày sau đó, nhà trường vẫn mắc sai phạm. Cụ thể, 2 lần kiếm tra gần nhất là ngày 12/4 và mới nhất là vào ngay sáng ngày 19/4 thì nhà trường vẫn nhập thực phẩm từ nhà cung cấp Quang Thắng và Hồng Vân. Hoặc như sáng ngày 19/4, đại diện hội phụ huynh trường đã trực tiếp đến bếp ăn của trường để kiểm tra. Kết quả cho thấy, chỉ có 19kg trong tổng số 31kg thịt lợn của bếp mua sáng nay được sử dụng để nấu bữa sáng cho học sinh.Tính ra, mỗi học sinh chỉ được ăn 13gr thịt, không đủ khối lượng như trong thực đơn của nhà trường.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (đại diện cha mẹ học sinh) chất vấn: “Trước đó, nhà trường đã cam kết với phụ huynh chúng tôi, số thực phẩm thừa không dùng đến của ngày hôm trước sẽ phải tiêu hủy và không dùng vào việc nấu bữa ăn cho học sinh. Vậy xin hỏi nhà trường, trong buổi kiểm tra ngày 19/4 vừa qua nhà trường chỉ dùng hết 19 trên tổng số 31 kg thịt thì số thịt còn lại nhà trường sẽ làm gì? Tại sao không dùng để nấu hết cho các con?. Trong khi đó, nhà trường giải thích, học sinh nghỉ học thì mới có thực phẩm thừa. Vậy chẳng lẽ ngày 19/4 vừa qua gần một nửa số học sinh nhà trường nghỉ học nên mới còn dư nhiều thực phẩm tới thế?”.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện của nhà trường, hiệu trưởng Nguyễn Hoài Bắc không trả lời rõ. Ông Bắc chỉ cho biết, thực phẩm nhập ở các đại lý nhỏ lẻ, không đúng so với cam kết của nhà trường là bởi nhà cung cấp thực phẩm Metro không cung ứng đủ nguyên vật liệu. Và “thực phẩm từ nhà cung cấp nhỏ lẻ dùng để nấu cho giáo viên và cán bộ trong trường”. Khi bị gay gắt chất vấn vấn đề thực phẩm thiếu, ông Bắc đã bất ngờ tuyên bố: “Ngay từ ngày mai, toàn bộ cán bộ giáo viên của trường sẽ không được ăn sáng tại trường”.

Và ông tiếp tục khẳng định: “Thời gian tới chúng tôi sẽ không nhập thực phẩm từ NCC Metro nữa. Từ ngày mai, xe cá nhân của nhà trường sẽ lấy toàn bộ thực phẩm từ ANOE, Vinmart và BigC. Từ ngày hôm nay chúng tôi đã liên lạc với 3 nhà cung cấp xuất ăn thuộc loại 5 sao: Công ty 3 sao, Elen Việt Nam, Solex Việt Nam được đánh gia vượt qua kỳ vọng của cha mẹ, trong thời gian sớm nhất 3 công ty này sẽ cung cấp suất ăn cho học sinh ”.

Phí giữ chỗ để… giữ chân học sinh

Trong một diễn biến khác, ngày 14/4, Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark phát thông báo về mức thu học phí và các khoản phí khác cho năm học 2017 – 2018. Ngoài thông tin năm học tới nhà trường sẽ đưa thêm 2 nội dung mới vào chương trình học đã bao gồm trong mức tăng học phí, điều phụ huynh ngỡ ngàng là ở mục các loại phí khác có khoản “phí giữ chỗ” với mức tiền là 5 triệu đồng.

Vụ VSATTP tại Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark: Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu - Hình 2

Ông Nguyễn Hoài Bắc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark

Giải thích về khoản thu này, ông Bắc cho biết mục đích của phí này là giúp nhà trường nắm được số lượng học sinh tiếp tục theo học, có dữ liệu để thực hiện công tác tuyển sinh cho từng khối và lớp trong năm học mới. Bởi, nhiều trường hợp học sinh bất ngờ chuyển trường không có thông báo trước khiến nhà trường rơi vào tình thế bị động trong tuyển sinh và xếp lớp.

Ông chia sẻ việc “đặt cọc” này để phụ huynh xác nhận chắc chắn hơn với nhà trường và nó không ảnh hưởng kết quả cuối năm của học sinh. Hơn hết, nhà trường sẽ “giữ chân” các em bằng chuyên môn.

Cho rằng không phù hợp, một phụ huynh học sinh thẳng thắn: “Việc nộp phí giữ chỗ chỉ là việc nhỏ, nhưng quan trọng là thể hiện sự thiếu lòng tin của nhà trường và khiến phụ huynh không tin tưởng ngược lại với nhà trường. Bởi nếu trường đào tạo tốt, chất lượng và học phí tương thích thì không cần lo chuyện học sinh nghỉ học mà phải làm như vậy”.

Sau khi nghe ý kiến của phụ huynh, ông Bắc thừa nhận: “Nhà trường đã thiếu sót trong việc chưa trao đổi và giải thích với phụ huynh về nội dung này trước khi phát thông báo. Trường quyết định sẽ không thu phí giữ chỗ năm học 2017 – 2018 đối với các học sinh đang theo học tại nhà trường”.

Cũng theo ông Bắc, nhà trường sẽ lắng nghe và phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) trường để tìm một giải pháp hợp lý để cam kết việc học sinh sẽ không tự ý chuyển trường mà không báo trước.

“Nhà trường cùng phụ huynh sẽ xây dựng quy chế chuyển trường cho học sinh. Tức là, trong một khoảng thời gian nhất định, phụ huynh muốn chuyển trường cho con mình thì phải đăng ký với nhà trường trước thời hạn quy định”, ông Nguyễn Hoài Bắc nói.

Liên quan đến những vấn đề trên, luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt cho hay: “Việc nhà trường thu phí giữ chỗ là trái với quy định của pháp luật. Liệu đây là phí giữ chỗ hay là một khoản đặt cọc?. Nếu là khoản đặt cọc thì mối quan hệ giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh không hề chặt chẽ và thành quan hệ mua bán. Môi trường giáo dục chúng ta có cần làm thế không? Rất may nhà trường nhận ra điều đó và hủy bỏ việc thu phí giữ chỗ.

Về vấn đề an toàn trong công tác bán trú: Vấn đề thực phẩm bẩn là vấn đề nghiêm trọng của cả xã hội nhất là môi trường giáo dục. Trong sự việc này, rất nhiều lần nhà trường đã không thực hiện cam kết của mình khi nhập thực phẩm không rõ nguồn gốc hay cho học sinh ăn thực phẩm quá hạn. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định của luật vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu”, luật sư Ngọc chia sẻ.

Ngọc Dung