Tuy nhiên, theo đánh giá của phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên, thì hiện nay VQG Cát Tiên đang lâm nguy do tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai diễn ra thường xuyên, với quy mô lớn đã có những tác động không nhỏ đến công tác bảo vệ hệ động, thực vật quý giá của VQG Cát Tiên.
Ông Trần Văn Bình, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên, cho biết, vườn đã thông báo tình trạng này cho các cơ quan chức năng, đồng thời cảnh báo những nguy hại của việc khai thác cát đối với hệ sinh thái của VQG Cát Tiên; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng kiểm lâm của VQG phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan đã xử lý nhiều vụ việc bơm, hút trộm cát gây ảnh hưởng tới VQG. Do địa bàn giáp ranh giữa nhiều tỉnh nên việc triển khai bắt quả tang các đối tượng rất khó khăn, đã vậy việc xử lý lại càng không tới nơi tới chốn.
“Khai thác cát làm lở đất ven sông của người dân, ảnh hưởng tới kinh tế hộ gia đình nên người dân phản ứng mạnh mẽ, gửi đơn phản ánh khắp nơi, nhưng cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”. Nói thật, chúng tôi đang ở trong cảnh “lực bất tòng tâm” vì vấn đề khai thác cát trái phép ngoài tầm kiểm soát của VQG. Giấy phép khai thác do lãnh đạo các tỉnh cấp phép.
Có nơi được cấp phép khai thác đến 23 năm, không hiểu cát đâu nhiều đến như vậy? Hơn nữa chúng tôi đã kiến nghị tới cơ quan chức năng nhiều lần rồi, nhưng việc xử lý không đến đâu, vì vậy anh em của hạt cũng nản lòng”, ông Trần Văn Bình nói.
Ông Nguyễn Văn Diện - GĐ VQG Cát Tiên - chỉ cho chúng tôi một khu vực bị sạt lở trên sông Đồng Nai. Ảnh Laodong.vn
Theo báo Lao động thông tin, việc khai thác cát trên sông đồng nai xảy ra khá phức tạp, ghi nhận của nhóm PV cho thấy nhiều tàu hút cát nằm giữa sông và trên bờ có nhiều bãi cát đang còn ướt nước sông, chờ được chuyển đi.
Theo nhiều người dân, cát ở sông Đồng Nai rất được thị trường ưa chuộng và có chất lượng nhất, nhì ở Đồng Nai, mỗi khối cát tại đây được vận chuyển đi bán với giá khoảng 250.000 đồng/khối, chuyển về TP.Biên Hòa thì có thể bán với giá từ 500.000 - 600.000 đồng/khối. Một đại diện doanh nghiệp mua bán cát cũng thừa nhận mỗi ngày mua khoảng 200 khối cát “lậu” để đem bán kiếm lời.
Trong con suối Đạ Tẻh, một nhánh đổ ra sông Đồng Nai, có khoảng chục điểm như thế. “Hết nạc lại vạc đến xương”, khi cát ở địa điểm được cấp phép bị hút đến cạn kiệt, những người bơm hút cát có phép lại biến thành “sa tặc” khi điều khiển tàu đến đoạn sông khác, cắm vòi xuống để hút cát. Phía bờ VQG Cát Tiên, dòng sông Đồng Nai đã ngoạm sâu vào đất rừng vài mét, kéo dài cả 5km, bởi phương thức hút cát như vừa nêu.
Theo giấy phép được cấp, các doanh nghiệp chỉ được khai thác ở nửa dòng sông mà tỉnh họ đã cấp phép, nhưng lợi dụng lúc trời nhá nhem tối hoặc rạng sáng, họ đánh tàu sang phía gần bờ của VQG để hút trộm. Thậm chí, họ còn bố trí hệ thống thông tin liên lạc cảnh báo cho nhau. Nếu có lực lượng chức năng di chuyển tới thì những chiếc tàu đang hút cát trộm sẽ ngay lập tức di chuyển sang phía bờ bên kia thuộc tỉnh khác là xong.
Ông Trần Văn Duy – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cát Tiên - cho biết: UBND tỉnh có cấp phép cho HTX Phú Xuân nhưng chưa hoạt động vì người dân phản ứng do sạt lở bờ sông. Còn những điểm khai thác lén lút thì ông Duy cho biết: “Các điểm đó là điểm cá nhân, ủy ban xã đã cấm từ lâu rồi”.
Ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc VQG Cát Tiên - cho biết: Đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, khi khai thác cát sẽ để lại hậu quả sạt lở bên bờ, dọc bờ sông Đồng Nai, VQG Cát Tiên là trạng thái rừng ven sông rất quan trọng bảo tồn cả khu vực. Do đó, nếu để khai thác cát sẽ rất nguy hại đến công tác bảo tồn, bảo vệ rừng, hệ thực vật và động vật rừng cũng bị nguy cơ khi vào mùa khô thú ra sông uống nước, việc khai thác cát cản trở hoạt động sinh hoạt bình thường của động vật. Người hút cát cũng không thể nói là họ bảo vệ an toàn cho động vật, khi họ nhìn thấy cũng sẽ tấn công động vật này. Thời gian qua, khai thác cát trộm vẫn diễn ra, chúng tôi phối hợp với các địa phương từ Phước Cát, Tà Lài Núi tượng, Nam Cát tiên để ngăn cản, cán bộ của VQG cũng từng bắt tàu khai thác cát lậu.
Ngoài ra, ông Diện cũng cho rằng, việc gián tiếp hút cát dẫn đến sạt lở, ảnh hưởng môi trường làm tập tục tự nhiên của sinh vật bị xáo trộn, ảnh hưởng ổn định sinh thái. Vào cuối năm 2017, Đồng Nai và Lâm Đồng đã họp và quyết định dừng toàn bộ việc khai thác cát vào cuối 2018, nhưng sẽ xem xét một số giấy phép, nếu giấy phép qua điều tra còn trữ lượng có thể cho hoạt động, doanh nghiêp không còn trữ lượng cát khai thác sẽ cho dừng ngay. Nhưng đến bây giờ VQG cũng chưa nhận được văn bản về việc cho đơn vị nào khai thác để nắm bắt.
“Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng nghiêm túc đánh giá đưa ra quyết định thỏa đáng. Đối với ranh giới gần với VQG Cát Tiên thì không nên cấp phép khai thác” – ông Diện nói.
Hải Đăng