Con đường trục xã 30 tỷ đồng/5 km

Dư luận đang quan tâm đến vụ việc Phó chủ tịch UBND xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) bút phê vào sơ yếu lý lịch của sinh viên vừa tốt nghiệp đại học Nguyễn Thị Quyên (23 tuổi ở thôn An Đông, xã An Bình): “Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương”.

Ngay khi thông tin này được đăng tải trên mạng xã hội và báo chí, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tưởng rằng, vụ việc sẽ lắng xuống khi chiều ngày 10/8, UBND xã An Bình đã ký xác nhận lại sơ yếu lý lịch cho chị Nguyễn Thị Quyên; tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, PV đã tiếp cận được Bản kế hoạch số 92/KH-UBND về việc vận động người dân hiến đất, tháo dỡ công trình mở rộng đường trục xã.

Theo đó, kinh phí đầu tư cho một con đường trục xã dài hơn 5 km với đơn giá 30,2 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp theo khẩu hành chính là 15,1 tỷ đồng, bằng 50% công trình. Bình quân mỗi khẩu 2 triệu đồng.

Xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương): Tận thu cả trẻ... chưa sinh để làm đường 30 tỷ? - Hình 1 Xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương): Tận thu cả trẻ... chưa sinh để làm đường 30 tỷ? - Hình 1

Theo Bản kế hoạch 92/KH-UBND của UBND xã An Bình, thu cả tiển trẻ mới sinh để làm đường 30 tỷ đồng 

Theo Bản kế hoạch 92/KH-UBND của UBND xã An Bình, xã có 7 tuyến đường trục xã với tổng chiều dài 5089,3 mét (hơn 5 km). Hiện nay, các tuyến đường đều đã xuống cấp, đường nhỏ hẹp không đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông của các phương tiện. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thiện 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí về giao thông nông thôn, xã An Bình đã vận động người dân hiến đất, tháo dỡ công trình và xây dựng đường bê tông trục xã.

Cũng theo bản kế hoạch này, tổng số đường trục xã được chia thành 6 gói dự án với tổng số chiều dài khoảng 5 km, kinh phí dự toán thiết kế là 29,2 tỷ đồng. Cộng với kinh phí dự kiến hỗ trợ tháo dỡ tường cổng và các công trình khác là 1 tỷ đồng. Tổng số tiền lên đến 30,2 tỷ đồng.

Tận thu cả trẻ vừa mới sinh?

Bản kế hoạch 92/KH-UBND nêu rõ việc thu đóng góp và xin hỗ trợ. Trong đó, người dân đóng góp theo khẩu hành chính là 15,1 tỷ đồng, bằng 50% giá dự toán. Nhà nước hỗ trợ bằng xi măng khoảng 5,8 tỷ đồng (20%), đề nghị huyện hỗ trợ, ngân sách xã và xã hội hóa là 9,1 tỷ đồng (30%), ngoài ra vốn khác gồm 0,2 tỷ đồng.

Hiện số khẩu hành chính của xã An Bình khoảng gần là 8.000 người, trừ miễn giảm còn khoảng 7.500 người. Vì vậy, mỗi khẩu thu đóng góp khoảng 2 triệu đồng. Với thời gian thu chia làm 2 vụ, vụ lúa chiêm 2017 thu 60%, bằng 1,2 triệu/khẩu, vụ mùa 2017, thu 800.000 đồng/khẩu.

Đáng chú ý trong đó, bản kế hoạch của xã có quy định cả phát sinh tăng nhân khẩu. Cụ thể, "người mới sinh từ 30/6/2017 trở về trước (văn bản của xã ra vào 27/4/2017, các cháu sinh 30/6/2017 là chưa ra đời - PV) thì thu theo vụ chiêm; nếu sinh từ 1/7/2017 trở đi thì thu theo quy định vụ liền kề (mốc sinh được tính theo giấy chứng sinh)”.

Tuy nhiên, trong bản kế hoạch lại nêu rõ, duyệt nhân khẩu hành chính đóng góp xây dựng của các thôn, cụm dân cư từ ngày 4/5 đến hết 15/5/2017. Vì vậy, việc đưa cả trẻ nhỏ mới sinh, thậm chí chưa sinh (từ 30/6 và sau 1/7/2017) vào diện phải nộp theo khẩu là không hợp lý.

Theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 thì, huy động người dân đóng góp chỉ khoảng 10%. Tuy nhiên, tại xã An Bình, việc huy động người dân đóng góp lên đến 50%. Hơn nữa, tận thu cả trẻ em mới sinh khiến nhiều người không đồng thuận. Chưa nói đến việc nhiều người còn băn khoăn với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 30 tỷ cho tuyến đường trục xã chỉ 5 km.

Anh Nguyễn Danh Cường (SN 1983), anh trai chị Nguyễn Thị Quyên, người bị Phó chủ tịch UBND xã bút phê lạ vào sơ yếu lý lịch, cho biết: “Việc bút phê “bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy trình của địa phương” - xác nhận vào sơ yếu lý lịch của em gái tôi, bắt nguồn từ việc UBND xã có kế hoạch làm đường trục xã. UBND xã An Bình bổ đầu người trong thôn, mỗi người 2 triệu đồng (kể cả trẻ em chưa sinh cũng bị bổ đầu người đóng góp).

Nhà anh Cường có 6 khẩu (bố, mẹ, em gái, vợ, con và anh Cường) nên phải đóng 12 triệu đồng. “Rất nhiều người dân cũng chưa đóng và chịu cảnh như nhà tôi”, anh Cường cho hay.

Chủ tịch UBND xã nói gì?

Để làm rõ việc UBND xã An Bình có kế hoạch làm 5.089,3 m đường với kinh phí 30,2 tỷ đồng và huy động người dân đóng 15,1 tỷ đồng, mỗi đầu người trong xã đóng 2 triệu đồng (trong đó trẻ em chưa sinh cũng phải đóng là trái với quy định của pháp luật), PV đã có buổi làm việc với ông Lê Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã An Bình.

Ông Lê Đình Khoa cho biết: Việc làm đường người dân đồng thuận. Chỉ có vừa qua báo chí dựa vào một vài trường hợp (trường hợp gia đình anh Nguyễn Danh Cường bị phê xấu vào lý lịch của em gái - PV) nói chứ không có chuyện người dân không đồng thuận.

Ông Khoa nói, quy trình lấy ý kiến của người dân để làm đường hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật và được người dân ủng hộ.

Tuy nhiên, khi PV yêu cầu có những biên bản cuộc họp với người dân để thể hiện tính đồng thuận, ông Khoa không đồng ý.

Ông Khoa khẳng định, ông là người soạn thảo và ký Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 27/4/2017 của UBND xã An Bình. Việc xây dựng đường của UBND xã An Bình, được thực hiện theo Nghị quyết Đảng bộ Khóa 18 (2015-2020); Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Theo tìm hiểu của PV, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phải theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 và Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 quy định, nguyên tắc huy động vốn từ người dân khoảng 10%.

Quyết định 695 sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 quy định: “Chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc người dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để người dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương...”.

Bùi Tú