Năm học mới cận kề, để tránh tình trạng lạm thu, Bộ GD&ĐT đã ra văn bản chỉ đạo không được thu thêm ngoài quy định. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn “lách” quy định để xây dựng những khoản thu ngoài quy định, gây bức xúc cho phụ huynh và học sinh.
Bắt phụ huynh “tự nguyện” đóng
Ngày khai giảng chỉ còn tính từng giờ, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn như ngồi trên đống lửa bởi ngoài nỗi lo phải chi tiền học phí, đồng phục, sách vở và nhiều khoản thu thêm đầu năm học mới thì một khoản thu không nhỏ mang danh “tự nguyện” - đang đè nặng đôi vai của nhiều gia đình có thu nhập thấp.
Dù đón đầu năm học mới, ngành giáo dục nhiều địa phương đã chỉ đạo các trường không được thu thêm những khoản ngoài quy định. Nhưng đánh vào tâm lý mong muốn con em mình được học tập trong môi trường tốt, các trường đã “nghĩ kế” mở ra các kiểu xã hội hóa giáo dục như mua sắm thêm cơ sở vật chất, lắp thêm đèn chiếu sáng, mua ti vi, máy chiếu… để thu thêm một số tiền không nhỏ.
Điều đáng nói là, các khoản mang danh tự nguyện nhưng lại được nhà trường liệt kê, định sẵn một mức thu, để phát cho từng phụ huynh và nghiễm nhiên phụ huynh không còn đường lựa chọn nào khác là miễn cưỡng đặt bút ký tên xác nhận trong nỗi bức xúc.
Nếu như trước đây, tình trạng lạm thu chủ yếu diễn ra ở những thành phố lớn, những ngôi trường có tỷ lệ học sinh sống trong gia đình khá giả, thì hiện nay, vấn đề lạm thu đã mở rộng ra các trường thuộc các huyện, xã nghèo trong cả nước. Điển hình, câu chuyện thay đổi đồng phục vest sang trọng theo kiểu Hàn Quốc xảy ra ở ngôi trường Tiểu học Văn Bình, xã Văn Bình, (Thường Tín, Hà Nội) vừa qua đã gây bất bình dư luận. Đây là một trường làng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn thì việc may một bộ đồng phục cho con đi học với giá 1 tạ thóc (gần 700.000 đồng/bộ) là việc làm xa xỉ.
Cũng là câu chuyện lạm thu bằng hình thức xã hội hóa giáo dục, Trường Mầm non Lê Mao TP. Vinh (Nghệ An), đã “kêu gọi” mỗi học sinh (tùy theo nhóm tuổi) sẽ đóng từ 800.000 đồng đến 1.500.000 đồng/học sinh để mua sắm cơ sở vật chất, trả nợ công trình xây dựng, mở rộng trường. Chị Lê Hường có con đang học tại trường bức xúc: “Vào đầu năm học mới, mỗi phụ huynh đều được nhà trường thông báo đóng tiền xây dựng trường. Trong đó, đã bao gồm cơ sở vật chất, vậy mà vẫn có thêm khoản đóng “tự nguyện” để nhà trường mua sắm thêm cơ sở vật chất. Năm ngoái, mỗi học sinh phải đóng thêm khoản tự nguyện lên đến 800.000 đồng, nhưng cuối cùng mỗi lớp cũng chỉ có thêm được 2 bóng đèn. Vậy số tiền còn lại, nhà trường sử dụng vào việc gì?”…
Cần minh bạch
Trước tình trạng lạm thu ngày càng công khai và diễn ra phổ biến trong cả nước, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sở GD&ĐT các địa phương nghiêm cấm các trường thu thêm những khoản trái quy định. Ngành giáo dục địa phương nào cũng hô quyết tâm xóa bỏ tình trạng lạm thu đầu năm học, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và trả lại tiền cho phụ huynh. Quyết tâm là thế, nhưng cứ bước vào năm học mới, tình trạng này vẫn không chấm dứt. Thậm chí, ngày càng có nhiều khoản thu vô lý như tiền hỗ trợ dạy học, tiền phục vụ bảo vệ, vệ sinh, an ninh, trông giữ xe… gây nhức nhối trong dư luận.
Theo lãnh đạo nhiều sở GD&ĐT, chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng. Bởi ai cũng hiểu những khó khăn chung của ngành giáo dục nước nhà và nỗi khổ thiếu kinh phí để phát triển hoạt động giáo dục tại các trường học hiện nay. Vì thế, thực hiện chủ trương này, sẽ thúc đẩy môi trường dạy và học tốt hơn. Thế nhưng, thực hiện phải đúng quy trình, công khai và minh bạch khi sử dụng số tiền vận động.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Để tránh việc lợi dụng cái khó chung của giáo dục để lạm thu, yêu cầu các trường phải tách bạch rõ khoản thu bắt buộc (học phí), với những khoản thu hộ (bảo hiểm, phí đoàn, đội) và các khoản thu tự nguyện. Phải có sự thỏa thuận, thống nhất của cha mẹ học sinh đảm bảo nguyên tắc "thu đủ chi" nhằm phục vụ học sinh và những việc cần thiết phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học.
Những ưu đãi về miễn giảm học phí của Nhà nước đối với những học sinh nghèo vượt khó - sẽ trở nên vô nghĩa nếu như tình trạng lạm thu vẫn còn diễn ra. Bởi dù không phải đóng học phí, nhưng các em vẫn phải gồng mình đóng các khoản thu tự nguyện theo quy định của nhà trường, thậm chí có những khoản thu thêm lên đến cả triệu đồng. Vì vậy, sở GD&ĐT các địa phương nên có những chế tài, quản lý thật nghiêm minh để chấm dứt tình trạng lạm thu trong thời gian sớm.
Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh Quảng Bình, có đến hơn 30 khoản thu khác nhau ở trường học, trong đó ngoài khoản thu do nhà trường, còn có những khoản thu do lớp đặt ra như quỹ của đoàn thể, tổ chức, quỹ hoạt động của ban đại diện, hỗ trợ hoạt động văn thể mỹ, mua sắm trang thiết bị… gây khó khăn cho học sinh nghèo, gia đình có thu nhập trung bình.
Thanh Hoa