THCL Đây là dự án mà Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu đang phát động nhằm vận động các khách sạn, nhà hàng, shop, showroom … cho khách du lịch sử dụng miễn phí nhà vệ sinh hiện có của cơ sở với tinh thần cởi mở, thân thiện, mến khách nhất của người Đà Nẵng.

Giới thiệu bảng nhận diện nhà vệ sinh công cộng xã hội hóa được treo tại những điểm mua sắm, vui chơi giải trí, khách sạn…

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó chủ tịch thường trực Hội doanh nghiệp Hải Châu cho biết, giai đoạn I của dự án bắt đầu từ tháng 4/2015, chủ yếu triển khai trên địa bàn quận Hải Châu và đã được gần 60 cơ sở ủng hộ, ký kết tham gia. Dù vẫn có những khó khăn nhất định trong khâu vận động, kinh phí in phát thư mời và logo của dự án, nhưng kết quả này báo hiệu sự khởi đầu hết sức thuận lợi, được chính các doanh nhân, chủ cơ sở kinh doanh và chính quyền ủng hộ.

Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp Hải Châu, hiện nay, Đà Nẵng có 19 công trình vệ sinh công cộng, trong số đó có 13 công trình hoạt động tạm được, 6 công trình còn lại ít được sử dụng. Mới đây 2 công trình đã bị phá bỏ. Nếu so sánh với Singapore, năm 2008, đất nước này có 29.500 nhà vệ sinh công cộng/4,5 triệu dân thì Đà Nẵng cần phải có đến 5.900 nhà vệ sinh công cộng. Có thể thấy số công trình vệ sinh công cộng hiện nay của thành phố là quá ít so với nhu cầu của người dân và du khách, ông Nguyễn Hồng Sơn nhận xét.

Những năm gần đây, du lịch được xem là mũi nhọn trong chiến lược phát triển của thành phố với lượng khách tăng trưởng mạnh qua từng năm, thì với số lượng nhà vệ sinh ít ỏi cùng với chất lượng xuống cấp sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, không được du khách hài lòng, đó là chưa kể chi phí xây dựng, quản lý, bảo trì khá cao, ông Sơn cho biết thêm.

Với khát vọng cùng chung tay phát triển thành phố và hưởng ứng Năm văn hóa văn minh đô thị 2015, Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu đã tổ chức triển khai dự án cộng đồng “xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng” xuất phát từ ý tưởng thiết lập một chuỗi các nhà vệ sinh bán công (semi-public toilets).

Theo ông Sơn, để xây dựng 20 nhà vệ sinh công cộng, thành phố phải chi phí ít nhất 5.000.000.000 đồng nhưng hiệu quả mang lại chưa cao và còn nhiều bất cập về vị trí lắp đặt, chi phí quản lý, bảo dưỡng… Nhưng thông qua dự án này có thể huy động ngay nguồn lực có sẵn trong cộng đồng. Đồng thời, trong năm 2015, khách du lịch và người dân có thể sử dụng ngay được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhà vệ sinh sẵn có của có doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, quán café…

Theo kế hoạch phát triển, ban quản lý và các nhà tài trợ dự án sẽ quy hoạch, thiết lập trang mạng các nhà vệ sinh bán công. Vị trí của các doanh nghiệp tham gia sẽ được thể hiện trên bản đồ chỉ dẫn của du lịch thành phố để phổ biến rộng rãi đến người dân và du khách. Đặc biệt, du khách có thể nhận biết ngay nhà vệ sinh công cộng xã hội hóa qua mẫu logo chung treo trước mỗi điểm, cơ sở.

Doanh nghiệp tham gia vào dự án này có cơ hội kết nối được với khách tiềm năng, đồng thời góp phần trong việc xây dựng hình ảnh của một thành phố du lịch năng động và có tính cộng đồng cao. Hi vọng, dự án xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng không chỉ thể hiện nét văn hóa doanh nghiệp, văn minh của thành phố mà còn đem lại sự khác biệt, hấp dẫn của Đà Nẵng thu hút du khách thập phương.

Giai đoạn 2 của dự án tiếp tục từ tháng 5,6/2015, phát động và triển khai tại quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phục vụ mùa du lịch biển 2015. Giai đoạn 3 từ tháng 7,8/2015, phát động và triển khai tại quận, huyện còn lại trên địa bàn TP Đà Nẵng, chào mừng quốc khánh 2/9.

Thu Hằng