Xã Hồng Thái (An Dương, Hải Phòng): Cán bộ tư pháp làm sai quy định? - Hình 1

Công văn 56/SYT-NVY về việc thực hiện Thông tư số 40/2015/BYT ngày 16/11/2015 của Bộ y tế

Anh TNT, xã Hồng Thái, cho biết, vợ chồng anh mới sinh một bé gái, theo quy định trong vòng 3 tháng, anh chị phải đi khai sinh cho cháu tại UBND xã Hồng Thái - nơi đăng ký hộ khẩu thường trú kèm theo đó cháu sẽ được cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi miễn phí.

Do anh T phải đi làm giờ hành chính nên vợ anh đã tranh thủ đi khai sinh cho con, chị N (vợ anh T) cho biết không hề được hỏi về nơi khám chữa bệnh ban đầu cho con mà chỉ được cán bộ tư pháp yêu cầu nộp 60.000 đồng, trong đó 8.000 đồng tiền phôi in giấy khai sinh, còn lại là hỗ trợ làm BHYT.

Anh T tranh thủ đi lấy BHYT cho con. Tuy nhiên, theo phản ánh của anh T thì nhiều lần anh đến văn phòng một cửa, trong giờ làm việc đều đã nghỉ. Lần thứ 4, anh T đến mới lấy được thẻ BHYT cho con thì ngạc nhiên khi nơi khám chữa bệnh ban đầu của con gái anh là Công ty CP BVĐK Hồng Đức (bệnh viện hạng 3 theo Công văn số 56/SYT-NVY về việc thực hiện Thông tư số 40/2015/TT/BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế, do Sở Y tế Hải Phòng ban hành ngày 14/01/2106).

Vợ chồng anh thắc mắc, hỏi cán bộ tư pháp thì cán bộ này khẳng định: Từ trước dến nay, ở xã này mua BHYT đều đăng ký tại Công ty CP BVĐK Hồng Đức và bây giờ tôi chỉ làm theo mẫu. Trước nay, không ai có ý kiến gì, ai không thích đăng ký ở đó thì phải có đơn và chỉ có một số trường hợp đặc biệt mới đăng ký tại BVĐK huyện An Dương.

Cán bộ này cho rằng, đăng ký ở đó, chuyển sang Bệnh viện Nhi Hải Phòng gần hơn.

Hỏi về việc thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu, vị cán này tỏ ra khó chịu và bảo chi N tự lên BHXH huyện mà đổi.

Bước ra khỏi văn phòng một cửa xã Hồng Thái, chị N được một lãnh đạo xã cho biết, việc đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu là có chỉ đạo từ huyện.

Nhằm làm rõ sự việc, PV đã trao đổi với đại diện lãnh đạo Phòng Y tế huyện An Dương, được biết huyện không hề có chỉ đạo về việc này (?).

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Giám đốc BHYT huyện An Dương thì chưa bao giờ chỉ đạo việc đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại Công ty CP BVĐK Hồng Đức (!).

Tại điều 8 - Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định, người tham gia BHYT hoặc cha mẹ của trẻ em dưới 6 tuổi khi tham gia BHYT cho con, có quyền đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu cho mình.

Tại điểm d, khoản 2, điều 9 - Thông tư 40 của Bộ Y tế: “Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các khoản 1,2,3,5,6,7 và 9 điều 5 thông tư này. Cụ thể: BVĐK tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BVĐK hạng I, hạng II thuộc các bộ, ngành, hoặc trực thuộc đơn vị thuộc các bộ ngành; BVĐK, viện chuyên khoa...; BVĐK tương đương hạng I, hạng II; bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành; bệnh viện y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng I, hạng II; bệnh viện hạng II thuộc Bộ Quốc phòng...".  

Tuy nhiên, theo phản ánh của chị N thì chị không hề được đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu cho con và không được hỏi trước khi cán bộ đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu cho con chị?

Theo danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của  Bộ Y tế thì, Công ty CP BVĐK Hồng Đức chỉ tương đương hạng 3. Phải chăng, cán bộ tư pháp xã Hồng Thái đã tước quyền của công dân và áp dụng sai quy định của Thông tư 40/2015/TT-BYT?

Làm việc với Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, ông không đồng tình về việc làm trên và cho biết vị cán bộ tư pháp này đã công tác tại UBND xã Hồng Thái lâu năm. Ông cũng khẳng định, sẽ xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, không thực hiện đúng quy định pháp luật.

QN