Người dân bức xúc

Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã phản ánh bài “Xã Hưng Thịnh (Bình Giang, Hải Dương): Dân "kêu cứu" vì điện sinh hoạt bất ổn”, liên quan đến việc hàng trăm hộ dân thuộc xã Hưng Thịnh có đơn thư gửi tới cơ quan báo chí phản ánh việc điện sinh hoạt tại địa phương liên tục bất ổn khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ngay sau khi nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc, PV Thương hiệu & Công luận đã có buổi “mục sở thị” tại địa phương để tìm hiểu rõ những bức xúc của bà con. Bên cạnh việc “kêu cứu” vì điện lưới hạ áp thiếu ổn định dẫn tới nhiều trường hợp bị chập cháy thiết bị điện tử, người dân còn “tố” năng lực HTX Hưng Thịnh yếu kém, nhiều điểm dây điện chạy sát nhà dân tiềm ẩn nguy cơ phóng điện, chập cháy, vi phạm nghiêm trọng về khoảng cách của hành lang an toàn lưới điện. 

Xã Hưng Thịnh (Bình Giang, Hải Dương) - Bài 2: Có việc “tiếp tay” để HTX điện “lộng quyền”? - Hình 1

Đường điện như "mắc võng" trước cửa nhà dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập cháy, vi phạm hành lang an toàn lưới điện

Trước sự việc trên, PV tiếp tục đi tìm câu trả lời "vì sao HTX Hưng Thịnh lại cố tình không bàn giao điện về cho ngành điện quản lý, bất chấp năng lực yếu kém, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ"?

Đối với người dân tại xã Hưng Thịnh, có được nguồn điện ổn định là điều mong muốn để có thể ổn định đời sống, tăng gia sản xuất, tuy nhiên, những bức xúc đã kéo dài nhiều năm, đến nay người dân xã Hưng Thịnh vẫn phải chấp nhận sống chung với “lũ”? 

Xã Hưng Thịnh (Bình Giang, Hải Dương) - Bài 2: Có việc “tiếp tay” để HTX điện “lộng quyền”? - Hình 2PV trao đổi với các hộ dân thôn Thượng Khuông (ảnh cắt từ clip)

Trước câu hỏi "liệu có “lợi ích nhóm” hay không?", PV đã có dịp trao đổi với nhiều người dân tại thôn Thượng Khuông và được biết “chi phí gầm bàn” tại đây không hề nhỏ so với đời sống của một xã thuần nông. Cụ thể, rất nhiều người dân cho biết đã phải bỏ chi phí lắp công tơ điện 1 pha sinh hoạt khoảng 500.000 đồng và chi phí lắp công tơ 3 pha tại đây, đã nhiều nhà phải nộp khoảng 15 – 17 triệu đồng/công tơ, đưa tay trực tiếp cho cán bộ lắp điện mà không có bất cứ biên lai hay giấy tờ nào (?!).

Bên cạnh đó, một số người dân cho biết, do nhu cầu sản xuất, họ có tới HTX Hưng Thịnh để xin lắp công tơ 3 pha thì được ông Côi “ra giá” 13 triệu đồng. Tuy nhiên, vì số tiền quá lớn nên người dân chưa thể thu xếp được.

Cũng theo người dân, khi tiến hành nhồi cọc để xây nhà, HTX Hưng Thịnh còn “ra giá” 1 - 2 triệu đồng 1 lần, thậm chí phải “năn nỉ” nhiều lần thì HTX Hưng Thịnh mới cử cán bộ xuống để làm cho người dân, nhưng thái độ thì rất... “cửa quyền” (!).

Ông Trịnh Ngọc Sử, Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh khi trao đổi với PV về sự việc trên còn nói, nếu muốn lắp được công tơ điện 3 pha thì người dân phải có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, tại đây hầu hết người dân đều không có giấy phép kinh doanh dẫn tới HTX Hưng Thịnh có quyền “tác oai, tác quái” để “ra giá” hàng chục triệu đồng đối với việc lắp công tơ điện 3 pha?

Phải chăng, với những “luật ngầm” đang diễn ra tại HTX Hưng Thịnh - đó là câu trả lời "vì sao HTX phải “cố giữ” lấy việc phân phối điện mà không thể bàn giao lại cho ngành điện quản lý?".

UBND huyện cấp sổ đỏ trên hành lang lưới điện?

Trước những bức xúc của người dân, ngày 18/1/2017, PV đã có buổi làm việc ban lãnh đạo HTX Hưng Thịnh để làm rõ hơn những vấn đề bạn đọc phản ánh. Trước câu hỏi "vì sao đường điện sát nhà dân, vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn lưới điện?", ông Bùi Đình Côi, Phó giám đốc HTX Hưng Thịnh biện minh rằng: “Điện có sẵn từ năm 1992, UBND huyện đã cấp sổ đỏ trong hành lang an toàn lưới điện”.

Ý của ông Côi cho rằng các hành vi sai phạm lưới điện là do “lỗi” của UBND huyện Bình Giang khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân “đè” lên hành lang an toàn lưới điện?

Xã Hưng Thịnh (Bình Giang, Hải Dương) - Bài 2: Có việc “tiếp tay” để HTX điện “lộng quyền”? - Hình 3

Trụ sở HTX Điện kiêm dịch vụ sản xuất nông nghiệp xã Hưng Thịnh (Bình Giang, Hải Dương)

Bên cạnh đó, lý giải việc điện bất ổn ảnh hưởng tới đời sống của người dân, ông Vũ Đức Huynh, Kế toán trưởng HTX Hưng Thịnh “đổ lỗi” khi cho rằng, do người dân mua thêm các thiết bị mà không thông báo cho HTX, chính vì thế HTX không thể biết được công suất sử dụng ra sao để báo với phía điện lực dẫn tới tình trạng điện yếu, nhất là vào các buổi chiều tối người dân sử dụng điện nhiều nhất (!?).

Liệu rằng, các lý giải trên có thực sự thuyết phục, trước sự phát triển của công nghệ, người dân có quyền được hưởng các thiết bị hiện đại để phục vụ đời sống? Chẳng lẽ, cứ mua thêm 1 thiết bị điện nào đó, người dân lại phải “báo cáo” HTX có được mua hay không chăng? Với năng lực bị “tố” yếu kém, đã đến lúc HTX Hưng Thịnh phải bàn giao lại cho ngành điện quản lý như đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ!

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012, nêu rõ: Hết năm 2015, các tổ chức kinh doanh điện ở nông thôn và ngành điện phải hoàn thành việc tiếp nhận, bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn.

PV đã có buổi đặt lịch với UBND huyện Bình Giang, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Trước sự việc trên, đề nghị UBND huyện Bình Giang có buổi làm việc với cơ quan báo chí để thông tin được khách quan, cũng như lắng nghe tâm tư – nguyện vọng của bà con. Bên cạnh đó, làm rõ việc người dân “tố” đã phải chi phí những khoản tiền “bất minh” cho cán bộ của HTX điện để được lắp công tơ.

Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo, để đời sống người dân được cải thiện, an tâm sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Cao Huyền – Quang Nam