Chỉ hơn 2 tháng (từ ngày 26/8 đến ngày 10/11), giá xăng dầu đã trải qua năm lần điều chỉnh tăng giá, từ mức 21.230 đồng/lít đối với xăng Ron 95-IV; 21.130 đồng/lít đối với xăng Ron 95-III và xăng E5-Ron 92 là 19.890 đồng/lít thì nay xăng Ron 95 đã tăng 3.860 đồng/lít, lên 25.090 đồng/lít đối với xăng Ron 95-IV và 24.990 đối với xăng Ron 95-III; xăng E5 Ron 92 tăng 3.770 đồng/lít, lên 23.660 đồng/lít (mức cao nhất trong vòng 7 năm qua).
Việc xăng tăng giá đã tác động trực tiếp tới việc tăng giá các loại hàng hóa khác. Ghi nhận tại một số chợ dân sinh cho thấy, giá cả hàng hóa đều tăng khá cao, cá biệt, các loại rau củ quả tăng cao đột biến. Cụ thể, rau muống trước kia 7.000 - 8.000 đồng/mớ, nay tăng lên 15 nghìn đồng/mớ; bắp cải từ 12 nghìn đồng/kg, tăng lên 18 nghìn đồng/kg; rau mùi từ 25 nghìn đồng/kg, tăng lên 75 nghìn đồng/kg; thịt gà từ 110 nghìn đồng/kg lên 125 nghìn đồng/kg; cam sành từ 25 nghìn đồng/kg lên 45 nghìn đồng/kg...
Nhiều người dân thở dài, ngao ngán vì chưa bao giờ các loại rau tăng giá "chóng mặt" như thời gian ngắn vừa qua, giờ rau còn đắt hơn ăn thịt. Đối với bộ phận lớn công nhân lao động tại các khu công nghiệp cho rằng: Dẫu biết giá cả hàng hóa tăng, giảm là quy luật cung cầu của thị trường, nhưng dịch Covid-19 vẫn phức tạp càng khiến cuộc sống của nhiều gia đình công nhân thêm lao đao, chật vật, khó khăn.
"Chỉ mỗi loại thực phẩm tăng 5-10 nghìn đồng/kg, cộng lại trở thành những khoản phát sinh không hề nhỏ; đè nặng lên đôi vai người công nhân như chúng tôi", chị Nguyễn Thị Nga (công nhân lao động tại Khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên) thở dài.
Vừa tan ca chiều, chị Phan Thị Hoa Hương (quê Phú Thọ) là công nhân Công ty TNHH DKT Vina, KCN khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) tất tả ra chợ để chuẩn bị bữa cơm tối. Cầm quả bí xanh có giá gần 30 nghìn đồng trên tay, chị Hương ngao ngán: “Thời điểm này, rau xanh, thực phẩm đắt đỏ, nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng tăng theo giá xăng, trong khi thu nhập của chúng tôi vẫn vậy. Nếu không tiết kiệm hết mức sẽ khó có thể trang trải được cuộc sống hàng ngày. Giá xăng, gas đồng loạt tăng khiến cho cuộc sống của chúng tôi càng khó khăn hơn. Đơn cử, trước đây, tôi chi khoảng 250 nghìn đồng tiền xăng/tháng thì nay lên khoảng 350 nghìn đồng; 1 bình gas có giá gần 400 nghìn đồng thì nay trên 500 nghìn đồng. Lương công nhân vẫn vậy, không biết duy trì, lo cho cuộc sống ra sao(!?)”.
Với những công nhân có con nhỏ, đời sống còn chật vật hơn rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân Công ty cổ phần giày Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tâm sự: “Vợ chồng tôi vẫn còn may mắn so với những người khác khi không phải đi thuê nhà. Tuy nhiên, với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó giá cả tăng cao, lại nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống hết sức khó khăn. Chúng tôi đã phải cắt giảm nhiều khoản và chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể, vậy nhưng vẫn khó xoay sở, nói gì đến tiền dự phòng lúc cần thiết. Nhiều lúc 2 vợ chồng phải nhắc nhở nhau là nếu ốm đau trong thời điểm này thì không biết chạy đâu tiền chữa bệnh.
Lại dịp cuối năm, đám cưới bạn bè, người thân nhiều, gia đình tôi cũng phải tằn tiện chi tiêu... Cứ đà giá cả hàng hóa thiết yếu tăng chóng mặt, tiền học của 2 đứa con - phải nhờ “hỗ trợ khẩn cấp” của ông bà bên nội, bên ngoại; chờ qua giai đoạn khó khăn này sẽ bù đắp lại sau”.
Giá cả các mặt hàng tăng cao nên xu hướng “thắt lưng buộc bụng” đang trở thành phổ biến trong cuộc sống của đa phần công nhân hiện nay. Mọi người đều lo ngại trong thời gian tới, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa do nhiên liệu, chi phí sản xuất trong mùa dịch tăng.
Nhiều giải pháp của công nhân lao động để có thể vượt qua thời điểm khốn khó đã được chia sẻ rộng rãi như: Tự trồng rau xanh trong thùng xốp; hạn chế nấu những món ăn cầu kỳ để giảm tiền gas; tích cực đi nhờ hay luân phiên chở nhau đi làm để giảm tiền xăng thay vì trước đây mỗi người một xe…
Để công nhân lao động vơi bớt những khó khăn do thời giá tăng cao, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng DN và ngành chức năng. Theo đó, ngành chức năng khẩn trương tuyên truyền các chủ khu nhà trọ giảm giá thành thuê nhà cho công nhân lao động, đẩy mạnh chi trả gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19...; trong bối cảnh đã nới lỏng biện pháp phòng dịch, các doanh nghiệp đã dần ổn định sản xuất, xét về lâu dài, nên duy trì và tăng các khoản trợ cấp để tránh tình trạng công nhân nghỉ việc vì quá khó khăn.
Hoan Nguyễn