Chỉ hơn 2 tháng (từ ngày 26/8 đến ngày 10/11), giá xăng dầu đã trải qua năm lần điều chỉnh tăng giá, từ mức 21.230 đồng/lít đối với xăng Ron 95-IV; 21.130 đồng/lít đối với xăng Ron 95-III và xăng E5-Ron 92 là 19.890 đồng/lít thì nay xăng Ron 95 đã tăng 3.860 đồng/lít, lên 25.090 đồng/lít đối với xăng Ron 95-IV và 24.990 đối với xăng Ron 95-III; xăng E5 Ron 92 tăng 3.770 đồng/lít, lên 23.660 đồng/lít. Việc xăng tăng giá đã tác động trực tiếp tới việc tăng giá các loại hàng hóa khác.
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh cho thấy, giá cả hàng hóa đều tăng khá cao, cá biệt, các loại rau củ quả tăng cao đột biến. Cụ thể, rau muống trước kia 7.000 - 8.000 đồng/mớ, nay tăng lên 15 nghìn đồng/mớ; bắp cải từ 12 nghìn đồng/kg, tăng lên 18 nghìn đồng/kg; rau mùi từ 25 nghìn đồng/kg, tăng lên 75 nghìn đồng/kg; thịt gà từ 110 nghìn đồng/kg lên 125 nghìn đồng/kg; cam sành từ 25 nghìn đồng/kg lên 45 nghìn đồng/kg... Nhiều người dân thở dài, ngao ngán vì chưa bao giờ các loại rau tăng giá "chóng mặt" như thời gian ngắn vừa qua, giờ rau còn đắt hơn ăn thịt.
Không chỉ mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả tăng giá, lĩnh vực vận tải hoạt động trở lại khoảng một tháng nay, nhưng khách thưa thớt, thu không đủ bù chi đã khiến các nhà xe nản lỏng. Thêm vào đó, giá xăng dầu tăng chóng mặt càng khiến doanh nghiệp vận tải "lao đao", rơi vào cảnh càng chạy càng lỗ. Theo tính toán của doanh nghiệp vận tải khách, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 20% doanh thu. Giá xăng dầu tăng cao vừa qua đã "ngốn" thêm khoảng 10 - 12% chi phí xăng dầu của doanh nghiệp, trong khi hầu hết doanh nghiệp vận tải chỉ hoạt động khoảng 20% tần suất và chưa thể tăng giá vé, thậm chí có tăng cũng không đủ bù đắp.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, trước thực tế này, các doanh nghiệp vận tải phải tính toán nhiều khoản để cơ cấu ra giá thành vận tải từ khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, lương lái xe, bộ máy quản lý và các loại thuế, phí, nhằm hạn chế tăng giá vé, cước vận tải; đồng thời, cân đối thu chi để xây dựng giá vé, cước phù hợp chi phí đầu vào. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ làm chậm quá trình phục hồi thị trường vận tải vốn đang hết sức èo uột.
Do đó, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu. Hiện nay, mức thu thuế bảo vệ môi trường khá cao (3.800 - 4.000 đồng/lít xăng dầu). Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, việc điều chỉnh giảm thu loại thuế này trong bối cảnh hiện nay sẽ không gây xáo trộn, tác động dây chuyền đến các lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, có thể giảm thuế phí hỗ trợ tác động tăng giá xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Hữu Cung, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Giá nhiên liệu gián tiếp tác động đến giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát.
Chính vì vậy, những tháng cuối năm sẽ không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực làm tăng giá cả hàng hóa. Bên cạnh đó, do khủng hoảng năng lượng, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao cùng với các chi phí chống dịch đang đè nặng doanh nghiệp. Do đó, những chi phí này cũng sẽ được phản ánh vào giá sản phẩm và nhu cầu tăng lên cùng với giá hàng hóa sẽ tạo sức ép lên lạm phát.
Đại diện một số doanh nghiệp vận tải kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan quản lý huy động nguồn ngân sách hay nguồn thu từ quỹ bình ổn giá xăng dầu để kiểm soát giá nhiên liệu trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Mặt khác, Nhà nước nên xem xét, cho phép xã hội hóa kinh doanh xăng dầu để mọi thành phần tham gia nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
PV