THCL PGS. TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng nhận định: Việc xây mới và tháo dỡ các cầu vượt tại các đô thị ở Việt Nam cho thấy các công trình hạ tầng chưa được đầu tư trung, dài hạn, mà chỉ là giải pháp tình thế, thiếu bền vững.

Bất cập trong quy hoạch

Theo PGS. TS. Lưu Đức Hải, cơ quan chức năng khẳng định việc xác định vị trí của các cầu bộ hành đều được nghiên cứu kỹ, nhưng số cầu bộ hành khi đưa vào sử dụng đã không phát huy tác dụng, lượng người đi bộ sử dụng cầu vượt bộ hành còn ít hoặc các công trình này sớm phải di dời để thi công các công trình khác (dự án chồng dự án) gây lãng phí. Đây là hậu quả của việc quy hoạch thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn xa với những mục tiêu và công trình khác.

TS. Vũ Anh, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội nêu ví dụ, Hà Nội có khoảng 50 cầu vượt bộ hành với nhiều hình thức khác nhau, nhưng lượng người qua cầu rất thấp.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, Việt Nam đang thiếu một lộ trình ưu tiên trong việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nói chung và cầu vượt nói riêng. Quy hoạch giao thông đô thị chưa khả thi bởi nhu cầu đầu tư xây dựng được tính toán vượt nhiều so với khả năng thực hiện. Vì vậy, phải lựa chọn những công trình cầu vượt ở vị trí quan trọng để ưu tiên làm trước.

Bên cạnh đó, các nhà quy hoạch chưa phân tích, dự báo được nhu cầu giao thông trong giai đoạn tương lai, trên cơ sở phương án sử dụng đất, phát triển đô thị mà quy hoạch đưa ra.

Cần có cái nhìn dài hạn

Cũng theo ông Hải, quy hoạch cần phải đi trước một bước; trong đó, định hướng quy hoạch xây dựng các cây cầu cần có sự đánh giá, khảo sát, đặc biệt là dự báo được mật độ các phương tiện lưu thông trong tương lai để tránh tình trạng xây dựng xong khai thác không hiệu quả.

Đồng thời, cần có quy hoạch mang tầm nhìn trung và dài hạn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch không gian đô thị và tổ chức giao thông xung quanh các nút giao thông có cầu vượt.

ThS. Trần Văn Nhân, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, các nhà quản lý quy hoạch và chính quyền các đô thị cần tăng cường nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; trong đó, công tác quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan cầu, đường đô thị là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu.

Bên cạnh quy hoạch tổng thể cho các mô hình cầu vượt, cần có phương án thiết kế cho từng cây cầu trên cơ sở thi tuyển thiết kế kiến trúc. Mặt khác, tùy vào từng loại cầu cũng như vị trí mà lựa chọn giải pháp chiếu sáng cho cầu để bảo đảm yếu tố thẩm mỹ và an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Một giải pháp quan trọng nữa là xây dựng đường trên cao trong đô thị - đây là loại hình cầu (đường) giao thông phù hợp cho các đô thị có mật độ giao thông cao trong khi các phương tiện giao thông công cộng còn thiếu.

Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, ông Phạm Thế Vinh kiến nghị, những cây cầu để mang hình ảnh đặc trưng cho từng nơi thì cần có kiến trúc đẹp, phù hợp với cảnh quan phố phường, nhà ở xung quanh, phủ xanh và thắp sáng tạo dáng cho cây cầu.

Đại diện tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cầu trong đô thị cần được nghiên cứu ngày càng hoàn thiện nhằm phục vụ cho việc hình thành các đô thị, thành phố văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu đời sống ngày càng cao của nhân dân và phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Khánh Yên (Thương hiệu & Công luận)