THCL Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Khánh Hòa” dùng cho sản phẩm ốc hương tỉnh Khánh Hòa sẽ làm tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc làm cần thiết và cấp bách
Ở Việt Nam, ốc hương được coi là một loài ốc biển quý, sống rải rác theo dọc bờ biển. Từ xưa, ốc hương được biết đến là một món ăn quý với hương vị đặc trưng và thường dành cho các bậc vua chúa. Ốc hương có hương thơm đặc trưng tập trung ở đuôi ốc và được nhiều người lựa chọn bởi hàm lượng dinh dưỡng cao, thịt ốc giòn, mềm và hương thơm tự nhiên, hấp dẫn. Hiện nay, nguồn lợi ốc hương tự nhiên ngày càng cạn kiệt do tình trạng khai thác quá mức. Để khôi phục lại nguồn ốc hương này, từ năm 1998-2000, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc hương.
Vùng biển Khánh Hòa dốc, sâu và ít có các cửa sông nên độ trong cao. Nước biển Khánh hòa ấm quanh năm và không có biến độ lớn, nhiệt độ trung bình từ 24 - 290C. Biển Khánh Hòa có trên 600 loài hải sản với sản lượng ước tính vào khoảng 150.000 tấn/năm. Chính điều kiện tự nhiên thích hợp và thức ăn phong phú tạo nên tính đặc thù của ốc hương Khánh Hòa.
Theo Quyết định số 3195 ngày 21 tháng 12 năm 2012 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xác định, ốc hương là một trong những loài nhuyễn thể nuôi quan trọng cần đẩy mạnh phát triển. Lợi nhuận của nghề sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc hương đã giải quyết khó khăn cho nhiều cơ sở sản xuất và các hộ nuôi thương phẩm. Thu nhập từ nghề nuôi ốc hương đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho nhiều hộ gia đình ven biển.
Tuy nhiên, nghề nuôi ốc hương ở Khánh Hòa hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm ốc hương Khánh Hòa. Nhiều tư thương sử dụng giống ốc hương và ốc hương thương phẩm kém chất lượng để mạo danh ốc hương Khánh Hòa nhằm mục đích bán kiếm lời, điều này làm ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của ốc hương Khánh Hòa và ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của nghề nuôi ốc hương. Chưa xây dựng được cơ sở khoa học để phân biệt giữa ốc hương Khánh Hòa và ốc hương ở các địa phương khác. Mặc dù, Khánh Hòa đã có một số mô hình nuôi ốc hương, nhưng chưa có mô hình tổ chức tập thể gắn kết giữa người nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên việc tiêu thụ sản phẩm chưa được ổn định. Do ốc hương có giá trị kinh tế cao nên người dân nuôi ốc hương phát triển theo hướng tự phát, không tuân thủ theo quy trình nuôi, dẫn đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh xảy ra. Chưa xây dựng được quy hoạch vùng nuôi ốc hương ở Khánh Hòa.
Tạo lợi thế cạnh tranh
Với những lợi ích mang lại của ốc hương và những khó khăn mà người dân sản xuất giống và nuôi ốc hương ở Khánh Hòa đang gặp phải, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Khánh Hòa” dùng cho sản phẩm ốc hương tỉnh Khánh Hòa là một việc làm rất cần thiết và cấp bách. Kết quả của dự án sẽ làm tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm ốc hương Khánh Hòa trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ths. Nguyễn Mạnh Hà, chủ nhiệm dự án cho biết, đến nay, dự án đã thực hiện đủ 4 nội dung chính. Đó là, điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu và đánh giá xác định vùng xây dựng chỉ dẫn địa lý Khánh Hòa cho sản phẩm ốc hương; Xây dựng cơ sở khoa học xác định vùng địa danh tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Khánh Hòa” được bảo hộ; Xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn “Khánh Hòa” cho sản phẩm ốc hương; Xây dựng hệ thống các phương tiện, điều kiện để quản lý, giới thiệu, quảng bá, chỉ dẫn địa lý “Khánh Hòa” cho sản phẩm ốc hương. Từ đó đã khẳng định được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, chỉ rõ được tính chất, chất lượng đặc thù của ốc hương Khánh Hòa với các sản phẩm khác trong cả nước. Đây là một trong những thuận lợi để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, làm tăng giá trị sản phẩm. Việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý Khánh Hòa dùng cho sản phẩm ốc hương góp phần nâng cao uy tín sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Kết quả của dự án là cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất các cơ chế chính sách đầu tư bảo tồn và phát triển ốc hương ở các vùng địa lý tương ứng, mở rộng vùng địa danh, sản lượng sản phẩm ốc hương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để đẩy mạng sự phát triển các ngành kinh tế như công nghiệp chế biến, thương mại và du lịch... giải quyết công ăn việc làm cho người dân huyện đảo, tạo tâm lý ổn định và tin tưởng cho người sản xuất và kinh doanh ốc hương trong việc giữ gìn hình ảnh của ốc hương trong đời sống kinh tế, văn hóa và tinh thần.
Chỉ dẫn địa lý Khánh Hòa là căn cứ pháp lý quan trọng và lâu dài, góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm ốc hương, xây dựng nên vùng ốc hương có thương hiệu, khẳng định tính chất nhất quán của sản phẩm đã nổi tiếng qua nhiều thế hệ.
Dự án được thực hiện thành công là mô hình điểm để nhân rộng về xây dựng chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị cho các sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Hà Thu (Thương hiệu và Công luận)