Chuyển biến chất và lượng
Mỗi năm, ở nước ta có gần 80.000 DN được thành lâp. Hiện, cả nước đã có trên 600.000 DN, khoảng 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 133.000 hợp tác xã và trang trại.
Các doanh nhân đã đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức tham gia tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước và hội nhập quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo… Riêng khu vực DN đã đóng góp trên 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 7,4 triệu lao động (chiếm 81,7% lực lượng lao động phi nông nghiệp và 16,3% lao động toàn xã hội).
Xây dựng đội ngũ doanh nhân: Nâng tầm vị thế
“Khu vực DN đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều doanh nhân đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại luôn năng động, sáng tạo, chủ động hội nhập, khắc phục khó khăn đảm bảo kinh doanh ổn định, phát triển. Đồng thời, luôn có trách nhiệm với cộng đồng trong việc tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, đội ngũ DN, doanh nhân nước ta cũng còn không ít hạn chế: Số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Quy mô DN còn nhỏ bé so với khu vực và thế giới, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, còn bị động trong cạnh tranh và hội nhập. Ðội ngũ doanh nhân chưa xây dựng được văn hóa kinh doanh chung, chưa liên kết chặt chẽ trong hoạt động. Hệ thống pháp luật, chính sách, thể chế thúc đẩy phát triển DN, doanh nhân còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao, cải cách hành chính còn chậm.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Nhận thức đội ngũ doanh nhân hiện nay - là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chến lược CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.
Đột phá để phát triển
Theo TS Vũ Tiến Lộc, cần tiếp tục thống nhất nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng thời với việc công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển.
Hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền kinh doanh, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Xây dựng pháp luật cho việc tạo lập đồng bộ các thị trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm các cơ quan và người thi hành công vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Xây dựng hệ thống các biện pháp hỗ trợ doanh nhân tham gia khu vực kinh doanh chính thức, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả DN, chú trọng phát triển doanh nhân ở khu vực nông thôn. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), quan tâm hỗ trợ khu vực hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN và đăng ký đầy đủ theo Luật Doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết, mua bán và sáp nhập DN và áp dụng các biện pháp phù hợp để tăng nhanh số lượng DN có quy mô vừa, thúc đẩy hình thành và phát triển một số DN lớn, đủ sức thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các DNNVV, thâm nhập vào thị trường thế giới thông qua các chuỗi sản xuất và cung ứng.
Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Ðổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng trong giáo dục công dân và đào tạo doanh nhân.
Ðề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thúc đẩy nhanh việc đưa một số chuyên đề không bắt buộc về tinh thần kinh doanh, về doanh nghiệp vào chương trình đào tạo tại các trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề. Xây dựng quy chế và hướng dẫn, quản lý hoạt động tôn vinh khen thưởng DN, doanh nhân, bảo đảm hiệu quả thiết thực.
Phát huy vai trò của hệ thống các tổ chức đại diện của cộng DN và đội ngũ doanh nhân. Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp phát triển đội ngũ doanh nhân. Thực hiện sự lãnh đạo của Ðảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức tạo nên sự nhất trí trong toàn Ðảng, toàn dân về những quan điểm cơ bản liên quan đến vị trí, vai trò và giải pháp, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nhân trong công cuộc đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Tăng cường đại diện của doanh nhân trong cơ cấu của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Ông Phạm Quang Nhuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Hà Land cho biết, để xây dựng được những tên tuổi lớn trong đội ngũ doanh nghân và DN cần một quá trình với nhiều yếu tố khách quan. Quá trình đó chịu tác động cơ chế, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển DN, doanh nhân trong thời kỳ mới.
Trong đó, đáng chú ý, nhất quán về vị trí, vai trò của doanh nhân; khẳng định tiếng nói của DN, doanh nhân trong tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, giản gọn; xóa bỏ những thủ tục bất hợp lý, phiền hà; đẩy mạnh cải cách hành chính, quy định rõ trách nhiệm của DN, doanh nhân đối với nhà nước, cộng đồng xã hội, người tiêu dùng, người lao động, đối tác… Đồng thời, có cơ chế khuyến khích DN, doanh nhân xây dựng thương hiệu quốc gia; vươn ra phát triển trên trường quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế chỉ rõ, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, cần nâng cao năng lực, hiệu quả của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia để tạo cú hích và thường xuyên đỡ đầu cho các lực lượng nghiên cứu khoa học - công nghệ phát triển, để ngày càng có nhiều nhà khoa học tài năng, uy tín và có khả năng làm cho nước ta sớm có đủ sức tiếp cận, sáng tạo công nghệ mới ở mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Đối với khu vực DN, cũng cần chú trọng, khuyến khích mở Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để khoa học, công nghệ đi được nhiều hơn vào cuộc sống.
Hoan Nguyễn