Quá trình thực hiện Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022, đã gặp một số khó khăn và bất cập, đặc biệt là trong việc xác định rõ các trường hợp vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường khi triển khai dự án, do pháp luật chưa quy định cụ thể.
Điều đó dẫn đến áp dụng xử phạt không đồng bộ và thiếu nhất quán. Vì vậy, chúng ta cần bổ sung và quy định rõ hơn các trường hợp xử phạt hành chính, trong trường hợp dự án đã triển khai xây dựng, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể từ pháp luật môi trường, trong khi pháp luật xây dựng đã quy định rõ ràng các hoạt động liên quan.
Việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2022/NĐ-CP là cần thiết nhằm kịp thời hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm
Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, nhiều chủ dự án chấp nhận bị xử phạt hành chính để triển khai xây dựng, hoặc đưa dự án vào vận hành, trước khi có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc giấy phép môi trường. Điều này cho thấy, chế tài hiện tại chưa đủ mạnh để ngăn chặn vi phạm. Do đó, chúng ta cần tăng mức xử phạt để tăng tính răn đe; bổ sung chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm nhiều lần, dù đã bị xử phạt hoặc có biên bản vi phạm.
Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn, đình chỉ hoạt động, hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả hiện chưa được quy định rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực tế. Do đó, chúng ta cần điều chỉnh quy định để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Hiện nay, mức xử phạt bổ sung đối với hành vi đình chỉ hoạt động cơ sở, hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có mức phạt tiền cao, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, việc làm và phát triển kinh tế. Vì vậy, chúng ta cần xem xét giảm thời gian đình chỉ để đủ thời gian cải tạo, khắc phục và răn đe.
Việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2022/NĐ-CP là cần thiết nhằm kịp thời hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.
Việc này, cũng cần tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo, phù hợp với Hiến pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo tính khoa học, khả thi, và phù hợp với thực tiễn...
T. Hương