Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng các điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ...
Đặc biệt, doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm quy định khác có liên quan, như: Nhãn mác, chất lượng sản phẩm, hóa đơn chứng từ, thuế, nguồn gốc sản phẩm, an toàn an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, trách nhiệm về bảo vệ môi trường...
Đây là các điều kiện, thủ tục theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm, đảm bảo công khai minh bạch. Bên cạnh các điều kiện pháp lý doanh nghiệp phải thực hiện như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có đăng ký ngành nghệ sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ (Giấy chứng nhận) là thủ tục hành chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện.
Theo đó, các thủ tục này được niêm yết công khai hướng dẫn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận. Thủ tục hành chính này miễn phí và người thực thi không được gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cấp phép.
Cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị người dân và doanh nghiệp không qua trung gian, dịch vụ vừa mất chi phí không cần thiết, vừa ảnh hưởng đến Ngân hàng Nhà nước thành phố và chất lượng hoạt động dịch vụ công.
Người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ theo quy định pháp luật, liên hệ trực tiếp tại bộ phận giao dịch một của (số 8 Võ Văn Kiệt, Quận 1) để được hướng dẫn.
Liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh vàng, mới đây, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) vừa bị xử phạt 1,34 tỷ đồng.
Lý do xử phạt được PNJ cho biết là do công ty ban hành quy định nội bộ, các thực hành phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đủ chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, PNJ vần còn một số sai sót, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.
“Công ty PNJ chấp hành nghiêm chỉnh đầy đủ các quyết định của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng và đã tự nguyện, chủ động khắc phục các thiếu sót và hậu quả,” văn bản của PNJ nêu rõ.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, PNJ ghi nhận 26.866 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 1.281 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 3% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng hoàn thành 72,3% kế hoạch doanh thu và 61,3% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2024.
Bóc tách cơ cấu doanh thu 8 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là mảng bán lẻ trang sức với 53%, tương đương trên 14.200 tỷ đồng. Xếp thứ hai về mức đóng góp doanh thu từ đầu năm cho PNJ là các sản phẩm vàng 24K với trên 9.900 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 36,9%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PNJ gần như đi ngang từ đầu tháng Chín đến đầu tháng 10/2024. Tuy nhiên, đến phiên 4/10, thị giá mã này đã quay đầu giảm gần 2% về còn 95.400 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức thấp nhất mà PNJ ghi nhận kể từ giữa tháng 8/2024.
Chốt phiên 7/10, cổ phiếu PNJ đứng yên ở mức tham chiếu 95.400 đồng/CP, tương đương vốn hóa 32.236 tỷ đồng.
Hoàng Bách(t/h)