Trước đó, ngày 20/12/2024, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến quý IV/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về các nội dung: Tăng cường triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí, gắn với thực hiện kê hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn thành phố, hướng tới thành phố "sáng - xanh - sạch - đẹp" và nhiều nội dung quan trọng.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trần Sỹ Thanh, việc tăng cường triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn thành phố nhằm hướng tới thành phố "sáng - xanh - sạch - đẹp".
Việc cải thiện chất lượng môi trường không khí và xử lý rác thải không chỉ là nhiệm vụ cấp bách, mà còn là nhiệm vụ chiến lược, quyết định đến sự phát triển bền vững và chất lượng sống của nhân dân Thủ đô. Đây là yêu cầu mang tính lịch sử, đặt nền móng vững chắc cho Hà Nội trở thành Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp, nơi đáng sống và tự hào.
Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá cao những kết quả đạt được của các đơn vị và biểu dương nỗ lực của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong thời gian qua.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị: Tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí; phát triển giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng, xây dựng vùng phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm giao thông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm và ban hành quy trình vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn; tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý ô nhiễm môi trường không khí; kiểm kê phát thải nhằm xác định nguồn phát thải và đối tượng phát thải chính.
Bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải; bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở công nghiệp, năng lượng, y tế sẽ tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính của các khu vực nội thị, khu vực đông dân cư để hạn chế bụi phát tán. Khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch, xanh thân thiện môi trường; đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải công cộng để giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông…
Hà Nội sẽ xây dựng các cơ chế khuyến khích, xã hội hóa nhằm thu hút, tăng cường đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách vào các công trình xử lý chất thải rắn, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân tích cực tham gia phản ánh, thông tin các hành vi vi phạm, phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp của thành phố; vận động các hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn, tích cực trồng nhiều cây xanh, chung tay bảo vệ môi trường.
Các quận, huyện, thị ủy: Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý môi trường. Phấn đấu 100% quận, huyện, thị xã, khu dân cư tổ chức phong trào tự quản về môi trường. 100% quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành xây dựng kể hoạch, phương án cụ thể thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. 100% công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp, không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, giảm đốt vàng mã…
PV