Cụ thể, theo Sở Y tế Hà Nội, đầu tháng 12/2024, cơ quan này đã thực hiện đánh giá nguy cơ dịch sởi trên địa bàn thành phố theo bộ công cụ đánh giá nguy cơ sởi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Kết quả cho thấy, nguy cơ dịch sởi xảy ra trên địa bàn thành phố ở mức trung bình. Thế nhưng, Hà Nội là địa phương có mật độ dân cư đông, di biến động dân cư lớn. Đây cũng là nơi có các bệnh viện tuyến trung ương tiếp nhận nhiều ca mắc sởi từ các tỉnh, thành phố trong cả nước nên luôn có nguy cơ bùng phát dịch sởi.
Trong khi đó, theo quy định trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin sởi được sử dụng cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhóm tuổi dưới 9 tháng đang chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn thành phố (chỉ sau nhóm tuổi từ 1-5 tuổi).
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, hiện thành phố đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 9 tháng tuổi với tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi mũi 1 là 98,5%, mũi 2 là 95,6%.
Ngoài ra, trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 11/2024, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố cho trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin có chứa thành phần sởi. Kết quả có 55.640/61.590 trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng (đạt 96,3%).
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến ngày 27/12, thành phố ghi nhận 335 trường hợp mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó 98 trường hợp dưới 9 tháng (chiếm tỷ lệ 29,3%); 57 trường hợp từ 9 đến 11 tháng (chiếm 17%); 115 trường hợp từ 1 đến 5 tuổi (chiếm 33,7%); 28 trường hợp từ 6 đến 10 tuổi (chiếm 8,4%); 39 trường hợp trên 10 tuổi (chiếm 11,6%). |
Tuấn Ngọc (t/h)