Quận đông dân nhất Hà Nội ưu tiên hơn 50% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản cho giáo dục
Hiện nay, thiếu trường học công lập đang là vấn đề lớn đối với quận Hoàng Mai. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, trên địa bàn quận hiện có hơn 102.000 học sinh, với 93 trường học. Trong đó, có 59 trường công lập và 34 trường ngoài công lập.
Xác định đúng tầm quan trọng của giáo dục đối với quá trình phát triển của địa phương những năm qua, quận ủy Hoàng Mai đã chỉ đạo UBND quận xây dựng và trình HĐND quận thông qua 19 Nghị quyết về kinh tế - xã hội của Quận; Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Từ năm 2013 đến 2023, UBND quận Hoàng Mai đã xây dựng và ban hành 2 Đề án, 23 kế hoạch, 26 văn bản; chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo quận xây dựng 94 văn bản nhằm chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; tham mưu trình HĐND quận ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể về công tác giáo dục và đào tạo gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của Quận, Nghị quyết chuyên đề về phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn quận giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030.
Hàng năm, quận Hoàng Mai đã dành nguồn chi đáng kể từ nguồn đầu tư xây dựng cơ bản của quận cho các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp trường học. Các kế hoạch về xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia và trường chất lượng cao; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
Chia sẻ trên báo chí, Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai, Hà Nội nhấn mạnh: “Hằng năm, quận Hoàng Mai rất quan tâm đến ngành giáo dục, đã dành hơn 50% ngân sách của quận đầu tư xây dựng cơ bản cho ngành giáo dục. Năm học 2023-2024, quận sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy học”.
Với dân số hơn 700.000 người, Hoàng Mai đang là quận đông dân nhất thành phố Hà Nội. Hiện, quận có trên 100 nghìn người trong độ tuổi đi học. Trước áp lực về trường, lớp, 3 năm qua, quận Hoàng Mai đã triển khai xây mới 23 trường học, cải tạo, sửa chữa 25 trường.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi trường mầm non không quá 20 lớp, mỗi lớp quy định theo độ tuổi nhưng tối đa không quá 35 học sinh; Với trường Tiểu học, quy mô tối đa 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 học sinh. Đối với trường THCS, quy mô tối đa 45 lớp, mỗi lớp không quá 45 học sinh.
Đối chiếu với quy định của Bộ GD&ĐT, hiện quận Hoàng Mai thiếu gần 40 trường công. Hoàng Mai không chỉ là quận dẫn đầu về dân số mà còn là quận thiếu trường học nhất ở thành phố Hà Nội.
Do thiếu trường công lập, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội từng phải áp dụng hình thức bốc thăm để tuyển sinh đầu cấp vào trường mầm non và tiểu học. Đến nay quận Hoàng Mai vẫn là quận đứng đầu về tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở thành phố Hà Nội.
Thu hồi các khu đất chậm triển khai để xây dựng các trường công lập
Trước thực trạng này, thông tin trên báo chí, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết thành phố Hà Nội và quận đã rà soát quỹ đất để quy hoạch xây dựng trường công lập.
Trên thực tế, quận Hoàng Mai đã rà soát các dự án chung cư, các khu đô thị có quy hoạch trường học nhưng chây ì chậm triển khai và cương quyết kiến nghị thành phố thu hồi những diện tích đất này phục vụ xây dựng trường học. Vừa qua, UBND quận Hoàng Mai đã thu hồi một số dự án.
Để giải quyết vấn đề thiếu trường công, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ quận lần thứ 17, tổ chức chiều ngày 10/4/2024, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai yêu cầu trong quý II/2024, UBND quận Hoàng Mai phải đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng 4 trường học tại phường Hoàng Liệt, 3 dự án trường học tại Định Công, 3 dự án trường học tại Vĩnh Hưng,...
Được biết, hiện nay, quận Hoàng Mai đang triển khai 17 trường học được xây mới. Trong đó, riêng tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai mới khởi công xây dựng 4 trường học, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Ngoài ra, quận Hoàng Mai cũng đang tiến hành rà soát và bổ sung thêm hơn 20 trường học các cấp. Dự kiến, trong năm học 2025 sẽ hoàn thành.
Cụ thể, vừa qua Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai, Hà Nội đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu hơn 827 tỷ đồng.
Tại Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Xây dựng Trường THPT Hoàng Liệt tại ô đất C1/TH3 (TH-III.16.1), nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 52 - Công ty TNHH Thang máy và Thiết bị Nam Long - Công ty TNHH Thương Mại NTD Việt Nam - Công ty TNHH Phòng cháy chữa cháy Vạn Xuân. Giá trúng thầu là 245,252 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,6%.
Tại Gói thầu Thi công xây dựng và thiết bị thuộc Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất F4/TH2 (TH2), giá trúng thầu của Liên danh Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phú Cường - Công ty CP Đầu tư xây dựng ĐKCC - Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nam An là 190,048 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,5%.
Tại Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất C1/TH2 (TH-III.15.2), nhà thầu trúng thầu là Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nam An. Giá trúng thầu là 210,898 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,5%.
Tại Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Khu tái định cư X2 tại ô D2/TH5 phường Đại Kim, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Xây lắp và Thiết kế Thăng Long 8 - Công ty CP Phát triển quốc tế Thăng Long - Công ty CP Thiết bị kỹ thuật và phòng cháy chữa cháy Hoàng Long - Công ty CP FAC Việt Nam. Giá trúng thầu là 105 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,1%.
Các gói thầu được đấu thầu qua mạng, mỗi gói có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) và trúng thầu, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu dưới 1%.
Tại Gói thầu Thi công xây dựng và thiết bị thuộc Dự án Xây dựng Trường Mầm non Hoàng Liệt tại ô đất C1/NT3 (NT-II.7.3), nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Phát triển Đông Đô - BQP - Công ty TNHH Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam - Công ty TNHH Thương mại NTD Việt Nam. Giá trúng thầu là 76,023 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,8%.
Đáng chú ý, tại 2 gói thầu: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất C1/TH2 (TH-III.15.2) và gói thầu Thi công xây dựng và thiết bị thuộc Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất F4/TH2 (TH2), đơn vị trúng thầu đều có tên Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Nam An với tư cách là liên danh trúng 2 gói thầu cùng 1 ngày 23/3/2024 do Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng quận Hoàng Mai làm CĐT, trị giá 2 gói thầu 400.947.142.000 VND, có tỷ lệ giá trúng thầu với giá dự toán 99.5%.
Nhà thầu thi công trường học không trang bị bảo hộ, mất an toàn lao động
Có mặt tại công trường dự án Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất C1/TH2 (TH-III.15.2) và Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất F4/TH2 (TH2) vào những ngày đầu tháng 8/2024 (sau 4 tháng kể từ khi có kết quả trúng thầu), phóng viên Thương hiệu và Công luận đã ghi nhận thực tế thi công tại đây.
Thời điểm khảo sát cho thấy, tại công trường thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất C1/TH2 (TH-III.15.2), nhà thầu trúng thầu là Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (VCG) - Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nam An, mặc dù Vinaconex đơn vị có tiếng trong làng xây dựng, nhưng tại công trình chỉ có một số công nhân thi công cầm chừng. Đáng nói là trong quá trình thi công, các công nhân không tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn lao động, khi làm việc trên cao không thắt dây an toàn, không trang bị bảo hộ lao động (mũ bảo hộ, găng tay, giày, quần áo).
Trao đổi với phóng viên, một công nhân cho biết, họ vừa mới làm được hơn 1 tháng, thậm chí còn chưa biết là trực thuộc công ty nào. Ở đây họ chỉ giao việc và thực hiện còn lại anh em tự trang bị quần ao bảo hộ, không ai kiểm tra giám sát hay quan tâm tới việc đó.
Theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong thi công xây dựng (QCVN 18:2021//BXD) ban hành kèm Thông tư số 16/2021/TT-BXD ngày 20/12/2021 của Bộ Xây dựng: Quy chuẩn QCVN 18:2021/BXD quy định các yêu cầu về kỹ thuật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình cho người ở công trường xây dựng và khu vực lân cận công trường xây dựng. Đáng chú ý, Quy chuẩn mới đã bổ sung các yếu tố có hại ảnh hưởng đến người lao động và buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người lao động đối với các công việc mà người lao động có nguy cơ gặp phải các yếu tố hoặc nguy cơ gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động theo các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và y tế.
Các yếu tố có hại cho sức khỏe bao gồm 06 nhóm chính: Vi khí hậu bất lợi; vật lý (ví dụ: tiếng ồn, rung động); bụi các loại; các chất, hóa chất, hơi khí độc; tâm sinh lý và ec-gô-nô-my; tiếp xúc nghề nghiệp.
QCVN 18:2021/BXD cũng có quy định rõ về chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Cụ thể, tại công trường, để chăm sóc sức khỏe cho người lao động, người sử dụng lao động phải thiết lập bộ phận y tế hoặc cung cấp quyền sử dụng cơ sở y tế (hoặc dịch vụ y tế) phù hợp với đặc điểm công việc, nghề nghiệp và đảm bảo điều kiện theo các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và y tế. Người lao động phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ và được giám sát để đảm bảo sức khỏe phù hợp với loại công việc được giao; người lao động không làm việc từ 06 tháng trở lên ở công trường.
Căn cứ vào đặc điểm công việc, điều kiện và môi trường làm việc trên công trường, công trình, người lao động phải sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân, trong đó một số nội dung cần chú ý:
Mũ bảo hiểm hoặc mũ cứng để bảo vệ đầu do vật rơi, bay vào hoặc va chạm với các vật thể xung quanh. Kính bảo vệ trong suốt hoặc có màu, màn che, tấm chắn mặt hoặc phương tiện phù hợp khác khi có khả năng bị tổn thương mắt hoặc mặt do: Bụi, các vật nhỏ hoặc chất, hóa chất nguy hiểm bắn vào; nhiệt độ cao, ánh sáng hoặc bức xạ khác. Một số công việc thường có nguy cơ gây tổn thương mắt hoặc mặt như hàn (cắt) bằng ngọn lửa; cắt gạch, đá, sắt; đục, khoan, phá đất đá; bắn đinh; trộn bê tông, vữa; tháo dỡ ván khuôn; phá dỡ kết cấu;
Các loại găng tay, quần áo bảo hộ phù hợp, kem bảo vệ da để bảo vệ tay hoặc toàn bộ cơ thể khi tiếp xúc, thao tác hoặc xử lý với: Vật, chất có nhiệt độ cao, bức xạ nhiệt; chất, hóa chất nguy hiểm. Giày, ủng phù hợp để bảo vệ chân khỏi nguy cơ chấn thương do: Vật, dụng cụ sắc nhọn; vật rơi, đổ; vật, chất có nhiệt độ cao; chất, hóa chất nguy hiểm; di chuyển trên các bề mặt nguy hiểm, trơn trượt.
Phương tiện để bảo vệ đường hô hấp khi biện pháp thông gió hoặc các biện pháp khác không đủ để đảm bảo an toàn cho hoạt động hô hấp.
Phương tiện bảo vệ thính lực tại các khu vực có tiếng ồn cao; quần áo không thấm nước, mũ bảo vệ có trùm đầu khi làm việc trong điều kiện thời tiết bất lợi (ví dụ: khi làm việc dưới mưa). Dây an toàn, dây cứu sinh độc lập (trong trường hợp không thể bố trí được sàn công tác, giàn giáo).
Đối chiếu với quy định trên thì tại 2 dự án xây dựng trường tiểu học Hoàng Liệt đều không đảm bảo về an toàn vệ sinh lao động. Theo đó, nhóm thợ hầu như không có bảo hộ lao động, nhất là mũ bảo hiểm hoặc mũ cứng để bảo vệ đầu do vật rơi, bay vào hoặc va chạm với các vật thể xung quanh; nơi ăn ở không đảm bảo vệ sinh. Mặt khác, việc nấu nướng trực tiếp tại công trường còn tiềm ẩn nguy cơ hoả hoạn…
Qua ghi nhận thực tế của phóng viên, mặc dù tại 2 công trình xây dựng trường học đã xây lên đến tầng 3, tầng 4, nhưng đơn vị thi công của 2 công trình là Liên danh Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phú Cường - Công ty CP Đầu tư xây dựng ĐKCC và Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nam An, các tốp thợ vẫn làm việc khi xung quanh không có lan can an toàn hoặc tấm chặn chân, lưới hoặc sàn đỡ an toàn để ngăn ngừa người bị rơi từ trên cao xuống. Khi dựng lắp cốp pha ở độ cao, nhưng nhiều công trình cũng không có giá đỡ để thợ đứng thao tác.
Đặc biệt, phần lớn tại 2 dự án thi công không thực hiện che chắn hoặc các biện pháp hiệu quả khác nhằm hạn chế phát tán khí thải, tiếng ồn, độ rung và các tác động khác để không vượt quá các giới hạn cho phép. Ở các công trình này cũng không có giải pháp chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao xuống... Theo những công nhân đang làm việc tại đây thì hầu hết các tốp thợ ở những công trình này đều không được đóng BHXH, BHYT. Nhận thức của người lao động ở những công trình này còn hạn chế nên cũng chưa đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho bản thân.
Thực tế cho thấy, hầu hết năm nào cũng có tai nạn lao động liên quan đến tính mạng người lao động ở các công trình xây dựng dân dụng. Nguyên nhân vẫn là người sử dụng lao động và người lao động không tuân thủ quy định về an toàn lao động.
Điển hình là vụ tai nạn lao động 10 người thương vong xảy ra tại công trình xây dựng trường học mầm non Đông Yên B (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) khiến 3 nạn nhân đã tử vong, 7 người khác bị thương. Chiều 26/6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án: “Vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường?
Không chỉ tiềm ẩn mất an toàn lao động, ghi nhận tại 2 dự án thi công còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã quy định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, nhà thầu trong thi công xây dựng công trình.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại công trình xây dựng cho thấy tình trạng phát sinh ô nhiễm bụi, tiếng ồn trong quá trình thi công vẫn xảy ra, khiến nhân dân bức xúc. Chế tài đã có, nhưng vì sao tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để?
Ghi nhận thực tế tại 2 Dự án xây cho thấy, bức xúc của người dân là có cơ sở. Cụ thể, giáp công trường Dự án luôn trong tình trạng bụi bẩn và nhếch nhác.
Việc bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, bên cạnh cam kết của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; qua đó mới mong không tái diễn tình trạng này.
Để thông tin được khách quan, đa chiều phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên hệ nhiều lần qua điện thoại tới lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quận Hoàng Mai - Đơn vị Chủ đầu tư của những công trình xây dựng trường học trên địa bàn Quận Hoàng Mai, Hà Nội, tuy nhiên, phóng viên toà soạn không nhận được sự phối hợp cung cấp thông tin từ đơn vị này.
Thiết nghĩ, việc quan tâm đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai là rất cần thiết, nhằm giải quyết vấn đề thiếu trường công lập cho cho con em trên địa bàn được cắp sách tới trường. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ quận lần thứ 17, tổ chức chiều ngày 10/4/2024, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai yêu cầu trong quý II/2024, UBND quận Hoàng Mai phải đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng 4 trường học tại phường Hoàng Liệt, 3 dự án trường học tại Định Công, 3 dự án trường học tại Vĩnh Hưng,...
Tuy nhiên, việc những công trình xây dựng trường học cần được sự quan tâm sát sao của chủ đầu tư và các cơ quan chức năng.
Khánh Yên - Thuỳ An