Công tác triển khai xây dựng trường học công lập được xem là một trong những nhiệm vụ cấp bách tại Hoàng Mai, nhằm đáp ứng cho nhu cầu của hơn 100 nghìn người trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, cấp bách đến đâu thì quá trình thi công, xây dựng tại các dự án phải luôn đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan đến an toàn lao động, bảo vệ môi trường, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Chỉ đạo nóng của UBND quận Hoàng Mai, chủ đầu tư nói gì?
Ngày 16/9/2024, UBND quận Hoàng Mai đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Đỗ Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai.
Theo đó, lãnh đạo quận Hoàng Mai yêu cầu phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra nội dung báo chí phản ánh, báo cáo UBND quận kết quả thực hiện trước ngày 26/9/2024.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai – ông Giang Chí Trung sau đó cũng đã chỉ đạo ông Nguyễn Văn Lự - Phó giám đốc Ban quản lý phát ngôn, thông tin những vấn đề mà phóng viên Thương hiệu và Công luận phản ánh.
Trao đổi với phóng viên sáng ngày 18/9, ông Nguyễn Văn Lự cho biết, công tác đấu thầu các dự án trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai được thực hiện minh bạch, thông tin đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Liên quan đến dự án và doanh nghiệp, ông Lự cho rằng, vấn đề tiết kiệm chi phí liên quan đến nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố như tư vấn thiết kế, chủ đầu tư lập tư vấn thiết kế có sát hay không? Giá cả, nhân công, thị trường tuỳ theo từng giai đoạn. Theo ông Lự, tính đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thi công tại các dự án đều đảm bảo tiến độ, dự kiến đưa vào hoạt động vào ngày 31/12/2024. Số lượng công nhân phân bổ tại mỗi dự án lên tới 100 người.
Liên quan đến vấn đề an toàn lao động và vệ sinh môi trường tại các dự án, ông Lự thừa nhận có tình trạng này xảy ra và sẽ tiếp thu, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, ông Lự cũng khẳng định, phía chủ đầu tư đã quán triệt bằng các văn bản gửi đến phía nhà thầu và công nhân. “Không thể chỉ tập trung vào tiến độ mà lơ là vấn đề an toàn lao động”, ông Lự nhấn mạnh.
Cũng theo Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai, công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường tại hai công trình trường Tiểu học Hoàng Liệt thẩm quyền là Sở Xây dựng.
Khi chủ đầu tư nghiệm thu, chuyển giai đoạn, Sở Xây dựng đã về kiểm tra, trong đó có vấn đề về hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, như Thương hiệu và Công luận đã phản ánh ở bài trước, thực tế tình trạng công nhân thi công không tuân thủ quy định về an toàn lao động tại 02 dự án xây dựng trường Tiểu học Hoàng Liệt vẫn diễn ra. Công nhân không trang bị thiết bị bảo hộ lao động (mũ bảo hộ, găng tay, giày, quần áo). Khi thi công trên cao, công nhân không thắt dây an toàn. Các tốp thợ vẫn làm việc khi xung quanh không có lan can an toàn hoặc tấm chặn chân, lưới hoặc sàn đỡ an toàn để ngăn ngừa người bị rơi từ trên cao xuống. Khi dựng lắp cốp pha ở độ cao, nhưng nhiều công trình cũng không có giá đỡ để thợ đứng thao tác.
Về vấn đề này, ông Lự cho rằng, hình ảnh mất an toàn lao động, hay công nhân thi công cầm chừng mà báo chí ghi lại được có thể do yếu tố thời tiết và các biện pháp thi công lúc đó.
Ông Lực cho biết thêm, bình thường tại công trường 2 dự án tiểu học Hoàng Liệt, mỗi dự án được phân bổ 100 công nhân, nếu công nhân ít thì dự án không thể đảm bảo đúng tiến độ như hiện tại.
Ông Lự cũng khẳng định, tất cả công nhân làm việc tại công trường đều có hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp hợp đồng lao động thì đến hiện tại, phía Ban quản lý chưa cung cấp được.
Đối với vấn đề về môi trường, ông Lự cho biết, các dự án xây dựng trường học mà chủ đầu tư đang triển khai không thuộc trường hợp phải xin giấy phép về môi trường. Các chất thải sinh hoạt tại khu ăn ở của công nhân và chất thải xây dựng tại công trình có thể xả thải trực tiếp ra môi trường do không nằm trong danh mục chất thải nguy hại với môi trường.
Như Thương hiệu và Công luận đã phản ánh trong bài viết “Xây dựng thương hiệu đầu tư công Quận Hoàng Mai (Hà Nội): Góc nhìn từ lĩnh vực đầu tư giáo dục” đăng tải vào ngày 16/9, hiệnnay, quận Hoàng Mai đang triển khai 17 trường học được xây mới. Trong đó, riêng tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai mới khởi công xây dựng 4 trường học, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Ngoài ra, quận Hoàng Mai cũng đang tiến hành rà soát và bổ sung thêm hơn 20 trường học các cấp. Dự kiến, trong năm học 2025 sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, trong số 5 dự án vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai, Hà Nội công bố kết quả lựa chọn nhà thầu mới đây, có nhiều dự án tồn tại những bất cập trong quá trình triển khai thi công.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại công trường thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất C1/TH2 (TH-III.15.2), nhà thầu trúng thầu là Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (VCG) - Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nam An và công trường Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tại ô đất F4/TH2 (TH2) của Liên danh Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phú Cường - Công ty CP Đầu tư xây dựng ĐKCC - Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nam An, mặc dù đã thi công đến tầng cao nhưng các công nhân tại đây đều trong tình trạng không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động, không thắt dây an toàn. Người đội mũ lưỡi trai, người đầu trần, tay không, chân đi dép, cheo leo thi công trên giàn dáo, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra.
Công trường 2 dự án này còn tồn tại vi phạm không nhỏ về bảo vệ môi trường khi không hề có lưới che chắn, hạn chế phát tán khí thải và bụi bặm gây ô nhiễm.
Nằm trong công trường, khu ăn ở của công nhân cũng không đảm bảo vệ sinh và các điều kiện đảm bảo sức khoẻ người lao động khi lối vào lán trại trở thành nơi tập kết rác, ẩm thấp, hôi hám. Khu vực này được quây tôn kín tứ phía, cùng với việc công nhân ăn ở, đun nấu tại chỗ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về cháy nổ.
Trong khi đó, QCVN 18:2021/BXD) ban hành kèm Thông tư số 16/2021/TT-BXD ngày 20/12/2021 của Bộ Xây dựng đã bổ sung các yếu tố có hại ảnh hưởng đến người lao động và buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Đặc biệt, QCVN 18:2021/BXD cũng có quy định rõ về chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Cụ thể, tại công trường, để chăm sóc sức khỏe cho người lao động, người sử dụng lao động phải thiết lập bộ phận y tế hoặc cung cấp quyền sử dụng cơ sở y tế (hoặc dịch vụ y tế) phù hợp với đặc điểm công việc, nghề nghiệp và đảm bảo điều kiện theo các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và y tế. Người lao động phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ và được giám sát để đảm bảo sức khỏe phù hợp với loại công việc được giao; người lao động không làm việc từ 06 tháng trở lên ở công trường.
Về công tác bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã quy định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, nhà thầu trong thi công xây dựng công trình.
Rõ ràng, đối chiếu với những quy định trên, quá trình thi công xây dựng tại 2 dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư đều chưa đảm bảo.
Đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công
Để có thêm thông tin đa chiều, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã trao đổi với một số chuyên gia pháp lý liên quan đến những vấn đề trong công tác đấu thầu tại Việt Nam cũng như các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công.
Luật sư Trần Thanh Hà (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, công tác đấu thầu ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ với hệ thống pháp luật được hoàn thiện, đặc biệt, việc áp dụng công nghệ cao như đấu thầu qua mạng gần đây đang có xu hướng phát triển mạnh, giúp tăng cường minh bạch, khách quan và tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, theo luật sư Hà, công tác đấu thầu vẫn tồn tại nhiều bất cập như tình trạng "quen mặt" của doanh nghiệp trong nhiều gói thầu tại một số địa phương. Việc chủ đầu tư liên tục trao cơ hội cho một nhà thầu thì gói thầu đó không còn là một cuộc chơi công bằng, minh bạch dẫn đến đầu tư ngân sách thông qua đấu thầu sẽ không đạt được kỳ vọng.
"Điều này làm mất đi tính cạnh tranh công bằng, tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn công, đặc biệt là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp mới muốn tham gia đấu thầu do sự thống trị của các doanh nghiệp quen mặt, dẫn đến việc giảm tính minh bạch và hiệu quả của quá trình đấu thầu", luật sư Hà cho biết.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm ngân sách thấp, có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của dự án và cả nền kinh tế.
Trước hết, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách thấp đồng nghĩa với việc chi phí thực hiện dự án gần sát với dự toán ban đầu, do đó cho thấy ngân sách không được sử dụng tối ưu. Không những thế, việc doanh nghiệp trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm thấp rất có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự án, khi đó, doanh nghiệp có ít động lực để tối ưu hóa chi phí và tăng cường hiệu quả công việc. Nhất là nếu doanh nghiệp tập trung vào việc hoàn thành dự án với chi phí gần với mức dự toán hơn là cải tiến và tối ưu hóa quy trình.
Bên cạnh đó, chuyên gia này lưu ý, một tỷ lệ tiết kiệm ngân sách thấp có thể làm dấy lên nghi ngại rằng trong quá trình đấu thầu đã thiếu đi sự minh bạch. Các doanh nghiệp có thể đã đạt được thỏa thuận ngầm để giữ giá ở mức cao, hoặc có thể có sự can thiệp không công bằng trong quá trình chọn nhà thầu.
Đối với các vấn đề về an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình triển khai dự án, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhấn mạnh: “Đảm bảo an toàn lao động là trách nhiệm của Chủ đầu tư và đơn vị thi công, không thể thanh minh về hoàn cảnh, thời tiết, lấy đó làm lý do để công nhân không tuân thủ”.
Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết, tuỳ thuộc hành vi chủ đầu tư, nhà thầu đã vi phạm mà có thể xử phạt hành chính theo các điều tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động có thể lên đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động vi phạm hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật có từ 301 người lao động trở lên.
Trường hợp hành vi vi phạm cấu thành tội phạm, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 295 BLHS 2015.Cụ thể, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, luật sư Trần Tuấn Anh khẳng định: Chủ đầu tư, đơn vị thi côngtuyệt đối không được phép đổ chất thải sinh hoạt, chất thải công trình trực tiếp ra môi trường.
Theo khoản 2 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường: “Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường” là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020, đối tượng phải có giấy phép môi trường gồm: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức. Tuy nhiên, các dự án này nếu thuộc thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.
Ngoài ra, dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường giống như các dự án trên cũng thuộc đối tượng phải có giấy phép bảo vệ môi trường.
Theo Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường 2020, đối tượng phải đăng ký môi trường bao gồm: Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường; Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
Các đối tượng trên sẽ được miễn đăng ký môi trường nếu thuộc dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh hoặc dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải với khối lượng nhỏ, được xử lý bằng công trình xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.
Tại khoản 14 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019 quy định, dự án đầu tư công khẩn cấp là dự án đầu tư công nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đối chiếu với các quy định trên thì các dự án đầu tư xây dựng trường học do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư không phải là dự án đầu tư công khẩn cấp để được miễn giấy phép môi trường.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỉ đồng và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động. Đáng chú ý, diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ, số người bị nạn.
Thuỳ An - Khánh Yên