Theo đó, dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, TP. Hồ Chí Minh xác định ngành dịch vụ là ngành có vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của kinh tế thành phố. 

Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến lần 1 “Phát triển ngành dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến lần 1 “Phát triển ngành dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Cụ thể, trong hơn 10 năm qua, ngành dịch vụ luôn có tỷ trọng đóng góp cao trên 60% tổng sản phẩm trên địa bàn. Trong khu vực dịch vụ, chỉ tính riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu trong năm 2023 chiếm 59,6% trong GRDP, chiếm 90% trong khu vực dịch vụ. Với đóng góp quan trọng đó, TP. Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm dịch vụ lớn nhất và đa dạng nhất cả nước với đóng góp khoảng 30% về tỷ trọng và tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước giai đoạn 2010 - 2022.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dũng, qua đánh giá chung, sự phát triển của ngành dịch vụ còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững và vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm như: Hạn chế về nguồn vốn đầu tư; về cơ sở hạ tầng, tính kết nối trong nội đô và giữa Thành phố với các khu vực lân cận. Ngoài ra, quá trình chuyển dịch sang các ngành dịch vụ giá trị cao còn chậm so với khu vực; hạ tầng về giao thông, logistics, hệ thống kho bãi chậm phát triển; năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ còn hạn chế...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng, nhận thức được vai trò quan trọng của ngành dịch vụ đối với sự phát triển bền vững, lâu dài của kinh tế, thành phố đã đề ra nhiều chương trình, đề án cụ thể để tập trung thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ như: Triển khai các đề án “Định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến năm 2040”; đề án “Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh... nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội thảo
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Ngoài ra, để hiện thực và cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện và xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó xác định nhiệm vụ “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” là yêu cầu cấp thiết giúp thành phố tìm ra các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai theo các định hướng, tầm nhìn phát triển thành phố nói chung và ngành dịch vụ thành phố nói riêng. Trong đó tập trung phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao và là cơ sở đề xuất những nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong phát triển ngành dịch vụ thành phố tại Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XII sắp tới.

Tại hội thảo các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đông Nam Bộ, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế đánh giá các xu hướng phát triển mới của ngành dịch vụ TP. Hồ Chí Minh giai đoạn tới gắn với các xu thế phát triển của thế giới...

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng cũng như nhận diện những xu thế phát triển trong tương lai các đại biểu đã gợi mở, đề xuất cho thành phố Hồ Chí Minh định hướng phát triển các ngành dịch vụ giai đoạn tới.

Mặt khác, đề xuất cụ thể các tiêu chí để xác định các ngành dịch vụ trong 9 ngành và những ngành mới phát sinh mang tính hiện đại, có giá trị gia tăng cao để TP. Hồ Chí Minh tập trung đầu tư phát triển, từ đó, phấn đấu mục tiêu trở thành Trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số đến năm 2030.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, để đạt được mục tiêu TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố cạnh tranh trong khu vực và vươn ra thế giới, cần phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam...

Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cần định vị, xác định mục tiêu từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có được những nền tảng của các thành phố xếp hạng cao trong khu vực TP. Hồ Chí Minh, cần xác định trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu với các nhóm ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao.

Hoàng Bách(t/h)