Rượu - vô vàn hệ luỵ đối với sức khoẻ con người
Tai nạn - ngộ độc và…
Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất (2018), cả nước đã xảy ra gần 220 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 195 người, bị thương 199 người. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới TNGT là lái xe uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm…
Riêng Bệnh viện Việt Đức, từ ngày 29 Tết đến hết ngày mùng 4 Tết Mậu Tuất, có 831 ca nhập viện cấp cứu, trong đó 677 trường hợp TNGT, đáng nói 60% bệnh nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu.
Một dẫn chứng, sáng 20/2/2018 (mùng 5 Tết), bệnh nhân Lê Quang Chung (25 tuổi ở Bình Lục, Hà Nam) được đưa đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng chấn thương sọ não, hàm mặt, hôn mê, thở qua bóp bóng nội khí quản, bị dập phổi 2 bên, gãy xương hàm mặt, tụ máu não. Trước đó, bệnh nhân này đã uống rượu trong buổi liên hoan họp lớp, rồi tự lao vào cột điện gây chấn thương nặng.
Để hạn chế TNGT vì uống rượu bia, chỉ có thể thực hiện bằng tự nhận thức của chính người lái xe. Bởi niềm vui của mỗi người phải gắn với trách nhiệm; và lớn hơn trách nhiệm là tình cảm, là trái tim của người lái xe vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng…
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Năm 2015, Việt Nam sản xuất 188 triệu lít rượu công nghiệp; năm 2017, sản xuất 360 triệu lít và rượu do gia đình sản xuất khoảng 250 triệu lít. Từ năm 2013 - 2017, cả nước xảy ra 862 vụ ngộ độc thực phẩm làm 24.954 người mắc, 22.213 người đi viện và 130 người chết. Trong đó, ngộ độc rượu ghi nhận 28 vụ làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người tử vong. Năm 2017, ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện.
Để ngăn chặn việc pha cồn công nghiệp methanol vào rượu, Bộ Y tế đang biên soạn và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6/2018, sau đó trình Quốc hội dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Trước mắt, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công thương nhanh chóng có các quy định đưa chất chỉ thị màu (xanh-methylen) vào cồn công nghiệp, tức là cồn công nghiệp phải có màu xanh, như vậy khi nhìn vào là phát hiện được ngay để người dân phân biệt…
Nhiều năm qua, biết bao nhiêu vụ án đáng tiếc xảy ra mà nguyên nhân chính là do say rượu, nào là con uống rượu chửi bố mẹ, xô xát trở thành kẻ bất hiếu. Nào là cha con uống say rủ nhau đi “hỏi tội” người khác rồi gây ra án mạng, cuối cùng thì người chết, kẻ đi tù. Nhiều trường hợp say xỉn không làm chủ được bản thân rồi hiếp dâm; án mạng cũng có thể xảy ra chỉ vì cái dẫm chân, liếc mắt được cho là “nhìn đểu” ngay tại bàn nhậu!
Không chỉ thanh niên trẻ tuổi uống rượu rồi dẫn đến đánh nhau, mà công nhân, viên chức trong cơ quan nhà nước cũng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” khi đã có men. Đơn cử, vụ ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận, tại bàn nhậu đã xảy ra mâu thuẫn với ông Huỳnh Nhật Khánh, đang công tác tại một cơ quan tại thành phố Phan Thiết, ông Dũng đã đập ly bia vào đầu ông Khánh, khiến ông này phải nhập viện khâu 9 mũi.
Theo quan niệm của người Việt Nam, uống rượu và chúc rượu được xem là một nét văn hóa truyền thống. Vì vậy, trong các đám cúng, giỗ, cưới xin, những bữa tiệc tiếp khách, ngày Tết, sum họp, hội ngộ… luôn phải có rượu, bia để chúc tụng. Điều này không sai nếu tất cả mọi người hiểu đúng nghĩa của việc uống rượu, người uống rượu đơn thuần luôn biết tiết chế, không bao giờ uống quá độ dẫn đến say lướt khướt.
Còn những “bợm nhậu” thì suốt ngày lai rai, uống không kể giờ giấc, vui cũng uống mà buồn cũng uống, ngồi trên bàn nhậu thì liên tục “1,2,3 dzô”, bất kỳ lý do nào cũng có thể nâng chén chúc mừng, rồi xử phạt… thậm chí ép người khác phải uống theo mình bằng mọi giá. Những đối tượng này thường hô hào “nam vô tửu như cờ vô phong”, “không bia, không rượu còn gì là đàn ông”…, dẫn đến có người không biết uống thì rơi vào tình trạng li bì, còn có người ngà ngà say lại có những hành động chẳng giống… người?
Điều gì sẽ xảy ra…?
Những lời cảnh báo được bác sỹ Trần Quốc Khánh (Khoa Phẫu thuật cột sống - Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) chia sẻ trên trang facebook cá nhân để khuyến cáo mọi người về tác hại của rượu đối với sức khỏe.
“Khi bạn uống rượu, chỉ sau khoảng 10 phút, dạ dày, não và gan của bạn dường như đang được ngâm trong rượu và từng giây từng phút, rượu đang giết chết các tế bào não, tế bào gan của chính bạn. Dưới đây là những điều rượu đang từng ngày mang đến cho bạn.
Đối với bộ não, rượu can thiệp vào các con đường truyền thông kết nối của não bộ, ảnh hưởng đến cách thức não hoạt động. Điều đó dẫn đến người hay uống rượu dễ bị rối loạn cảm xúc và hành vi, sẽ khó khăn hơn trong việc suy nghĩ, ghi nhớ và phối hợp các động tác. Người uống rượu thường hay nổi nóng, thiếu kiên nhẫn, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng… Đối với tim mạch, rượu làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, cao huyết áp một cách rõ ràng. Rượu cũng làm các thành mạch máu khô và giòn, dễ vỡ hơn.
Ngoài ra, rượu còn gây rối loạn nhịp tim và có liên quan đến bệnh cơ tim giãn, một căn bệnh đến hiện nay điều trị còn rất khó khăn, ngoại trừ ghép tim. Đối với gan, tụy, rượu giết chết các tế bào gan ngay sau khi uống, rượu làm mất đi cảm giác đói thực sự của cơ thể, vì rượu cung cấp những chất đốt tạo năng lượng cao nhưng không có tác dụng xây dựng cơ thể. Chính điều đó dẫn đến người uống rượu nhiều luôn đối mặt nguy cơ viêm gan, gan nhiễm mỡ và xơ gan do rượu. Đặc biệt, với những ai đang bị viêm gan virus B, C… kết hợp uống rượu thì coi như đang tự sát.
Rượu làm tăng nguy cơ viêm tuỵ cấp, một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu của tuỵ. Đối với hệ miễn dịch, uống rượu nhiều làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể luôn dễ bị nhiễm bệnh tật hơn. Viêm phổi và lao phổi hay gặp hơn ở những người nghiện rượu. Đặc biệt, nhắc tới ung thư, tỷ lệ người bị ung thư vòm họng, ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư dạ dày… tăng cao ở những người nghiện rượu.
Khi bạn uống rượu mạnh, hệ thống các tế bào niêm mạc đường tiêu hoá sẽ bị bỏng, các tổn thương này kéo dài một thời gian sẽ làm các tế bào bị biến đổi hình thái và cấu trúc, tiền đề sinh ra các tế bào ung thư. Ở phụ nữ, rượu làm tăng nguy cơ ung thư vú…
Thêm vào đó, thực phẩm ở các quán nhậu thường không rõ nguồn gốc xuất xứ (trừ một vài quán rất đắt đỏ), dầu chiên rán nhà hàng mua mỗi lần 1 can 20 lít, mì chính mua mỗi lần cả yến… các đồ nhậu lại thường xào rán thơm lừng (nhưng cực kỳ có hại cho sức khỏe)...
Về nhà sau mỗi trận nhậu, các bạn đổ vật xuống giường và ngủ với một dạ dày căng đầy thức ăn và rượu. Đồng nghĩa với việc cả đêm đó, cơ thể bạn vật lộn xử lý một kho thức ăn độc hại, điều này kéo dài và bệnh tật sẽ xuất hiện là điều không thể tránh khỏi.
Kinh tế đất nước, kinh tế mỗi gia đình hằng năm đang phải chi trả một con số không hề nhỏ cho bia và rượu. Điều đó giải thích vì sao các công ty bia rượu năm sau làm ăn tuyệt vời hơn năm trước và mỗi năm lại có thêm một vài nhãn hàng bia rượu mới về đến với đất nước chúng ta.
Hơn 30% các vụ tai nạn giao thông, có những vụ là thảm khốc có liên quan đến bia rượu. Những người sau uống rượu, máu chảy sẽ rất khó cầm, gây mê và hồi sức cũng khó khăn hơn”.
Những người nghiện rượu đang bị coi là gánh nặng của gia đình và xã hội, vì họ mất khả năng lao động, hay gây rối trật tự công cộng, làm tổn thương các mối quan hệ trong gia đình, gây ra tai nạn giao thông, sống bê tha, nhân cách suy đồi... Để hạn chế những hệ luỵ của việc uống rượu bia, cách tốt nhất là mỗi người chúng ta cần phải biết tiết chế, tự điều chỉnh lượng mức uống cho phù hợp với khả năng của bản thân, không nên đưa ra nhiều lý do để ép người kia phải uống bằng mọi giá, tránh tình trạng quá chén, gây mất kiểm soát dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Thanh Bình