Cụ thể, công văn của Tổng cục Quản lý thị trường nêu rõ, hiện nay, trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu còn diễn biến phức tạp; trong đó, có hiện tượng nhiều đối tượng lợi dụng việc nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số thời điểm trên địa bàn các tỉnh, thành phố để kinh doanh xăng dầugiả, kém chất lượng.
Nhằm giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, các Cục Quản lý thị trường các tỉnh, địa phương cần tăng cường quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Đáng chú ý, công văn yêu cầu và chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu, theo đó phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, Công an, Sở Khoa học công nghệ, thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xăng dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng.
Công văn của Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Mặt khác, Tổng cục Quản lý thị trường cũng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc cam kết trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn để tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng về các nguy hiểm trong tiêu thụ, sử dụng xăng dầu giả, kém chất lượng.
Trúc Mai