Công văn nêu rõ, qua nắm bắt tình hình thực tế và phản ánh của một số phương tiện truyền thông đại chúng gần đây về tình trạng kinh doanh thương mại điện tử trên không gian mạng tồn tại nhiều website, app thương mại điện tử, tài khoản mạng xã hội kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Xử lý nghiêm việc kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thương mại điện tử - Hình 1

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo Dược Giảm Cân Mộc Linh được quảng cáo là “Thuốc giảm cân Đông Y Mộc Linh” trên website Shopee.vn

Để kịp thời ngăn chặn các tình trạng nêu trên, bảo vệ quyền người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng trên không gian mạng, Sở Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý, nhân dân và người tiêu dùng trên địa bàn về việc không tham gia kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên không gian mạng và không mua bán, tiêu thụ những mặt hàng này.

Khuyến cáo chỉ nên giao dịch mua bán sản phẩm, hàng hóa trên những website, app thương mại điện tử đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo, đăng ký theo quy định (danh sách được công khai tại địa chỉ mạng http://online.gov.vn).

Người mua trực tuyến cần đối chiếu, kiểm tra kỹ thông tin, tình trạng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thực nhận so với quảng cáo của người bán, tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, không tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ khi tham gia mua sắm trực tuyến.

Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thương mại điện tử thì kịp thời thông báo đến đường dây nóng để kịp thời xử lý giải quyết.

Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã đưa tin phản ánh về việc hàng loạt thực phẩm chức năng (TPCN) đang được người bán quảng cáo là thuốc trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee.vn.

TPCN được quảng cáo là thuốc

Chỉ cần truy cập vào website: Shopee.vn tra cứu từ khóa “thuốc giảm cân” hoặc “thuốc giảm cân gia truyền”, người truy cập website này dễ dàng nhìn thấy hàng loạt sản phẩm TPCN được quảng cáo là thuốc giảm cân hiện ra. Trong đó, có nhiều sản phẩm chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPCN), nhưng được quảng cáo là thuốc.

Cụ thể, trên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee.vn thì Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà thảo mộc Cường Anh được quảng cáo là: “Thuốc giảm cân Cường Anh”; “Thuốc tăng cân Cường Anh”; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo Dược Giảm Cân Mộc Linh được quảng cáo là “Thuốc giảm cân Đông Y Mộc Linh”; “Thuốc giảm cân tan mỡ Đông y Mộc Linh”; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo mộc Tiến Hạnh được quảng cáo là “Thuốc giảm cân Tiến Hạnh”; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo Dược Giảm Cân Sơn Mai (dạng viên nang) được quảng cáo là “Thuốc giảm cân gia truyền Sơn Mai”.

Quy định pháp luật về hoạt động thương mại điện tử

Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động thương mại điện tử, trong đó có trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.

Xử lý nghiêm việc kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thương mại điện tử - Hình 2

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà thảo mộc Cường Anh được quảng cáo là: “Thuốc giảm cân Cường Anh” trên website Shopee.vn

Tại điều 35 của Nghị định này quy định về “Cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử”.Theo đó, thương nhân, tổ chức tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử là thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; 

Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định. Nội dung điều 35 Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng quy định: Thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử, trên đó cho phép người tham gia tiến hành mua bán hàng hóa theo phương thức của sở giao dịch hàng hóa thì phải có giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hóa và tuân thủ các quy định pháp luật về sở giao dịch hàng hóa.

Xử lý nghiêm việc kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thương mại điện tử - Hình 3

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược giảm cân Sơn Mai (dạng viên nang) được quảng cáo là “Thuốc giảm cân gia truyền Sơn Mai” trên website Shopee.vn

Điều 37 của Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Cụ thể, Khoản 1 điều 37 quy định: Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ;

Khoản 2 điều 37 quy định: Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

Khoản 3 điều 37 quy định: Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử được quy định tại Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Khoản 3 điều 36 quy định: Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định này khi đăng ký sử dụng dịch vụ;

Khoản 4 điều 36 quy định các sàn giao dịch thương mại điện tử: “Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ”;

Khoản 8 điều 36 quy định các sàn giao dịch thương mại điện tử: “Có  biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử”;

Hay như tại khoản 9 của điều 36 quy định các sàn giao dịch thương mại điện tử phải: “Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử”.

Nhiều năm qua, sự “nhập nhèm” giữa TPCN và thuốc, là kẽ hở để không ít doanh nghiệp lợi dụng để quảng cáo, qua mắt cơ quan chức năng, khiến người tiêu dùng hiểu lầm về công dụng của TPCN như thuốc chữa bệnh.

Trước thực trạng trên, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh, đồng thời có hình thức xử lý hành vi quảng cáo sai quy định trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee.vn.

Trên website Shopee.vn có nội dung quảng bá uy tín như sau: “Là một kênh bán hàng uy tín, Shopee luôn cam kết mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm online giá rẻ, an toàn và tin cậy”.

PV