Các hành vi vi phạm được Cục An toàn thực phẩm chỉ ra đối với Công ty Cổ phần phát triển thảo dược Việt Nam là: Quảng cáo sản phẩm TPCN/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax trên website http://hamomax.vn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Quảng cáo sản phẩm TPCN/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax trên website http://hamomax.vn dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm nêu trên.

Xử phạt Công ty Cổ phần phát triển thảo dược Việt Nam vì quảng cáo TPCN Hamomax như “thần dược” - Hình 1

Trên trang chủ của trang website http://hamomax.vn cũng khẳng định "sản phẩm TPCN viên nang Hamomax là bước đột phá của khoa học xử lý tận gốc mỡ máu, mỡ gan, tăng huyết áp" (Ảnh chụp màn hình)

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm quyết định xử phạt công ty này 85.000.000 đồng. Đồng thời, buộc Công ty Cổ phần phát triển thảo dược Việt Nam tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm nêu trên trên website http://hamomax.vn; cải chính thông tin theo quy định.

Trước đó, như Thương hiệu & Công luận đã phản ánh: Dù là TPCN nhưng sản phẩm Hamomax được quảng cáo có công dụng như một loại "thần dược" có khả năng đột phá trong điều trị bệnh mỡ máu cao, mỡ gan, tăng huyết áp...

Nội dung trên trên website này chủ yếu là các bài viết giới thiệu các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và cách chữa bệnh mỡ máu cao như: Bệnh mỡ máu cao – kẻ giết người hàng loạt; “thảo dược vàng” xóa tan huyết áp và biến chứng mạch vành; thảo dược quý nần nghệ; ....

Nội dung trong các bài viết này, bên cạnh việc thông tin về bệnh lý thì đều “đính kèm” phần nội dung khẳng định, ca tụng công dụng của sản phẩm Hamomax.

Cụ thể, trong bài viết “THẢO DƯỢC QUÝ NẦN NGHỆ - DIOSCOREA COLLETTII" có viết dưới danh nghĩa là những bài tư vấn sức khỏe, phổ biến kinh nghiệm điều trị bệnh của bác sỹ, các nhà khoa học, như: “Dựa trên chuyển giao độc quyền đề tài 40 năm Nần nghệ, các nghiên cứu nâng cao được tiến hành bởi các chuyên gia công ty CP Phát triển Thảo dược Việt Nam và công ty Dược Khoa, trường đại học Dược Hà Nội - PGS. TS. Trần Văn Ơn (Chủ nhiệm bộ môn Thực vật - nguyên giám đốc Dược Khoa - trường Đại học Dược Hà Nội), DS. Lê Đình Bích (nguyên trưởng bộ môn Thực vật - trường Đại học Dược Hà Nội); đã bảo tồn và phát triển thành công nguồn gen nần nghệ (dược liệu quý hiếm được lưu trong sách đỏ Việt Nam) theo tiêu chuẩn GACP (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu), đã cho ra đời TPCN Hamomax với thành phần từ cây Nần nghệ. Điều này, khiến cho người đọc lầm tưởng đây là những nội dung  khoa học, thông tin đã được thẩm định, từ đó tin dùng.

Ngoài ra, trên trang website http://hamomax.vn cũng đã sử dụng hình ảnh các bệnh nhân đã sử dụng sản phẩm và hình ảnh các bác sỹ như: Phạm Hưng Củng, quảng bá sản phẩm Hamomax để nhiều người tin theo (mà thực chất là TPCN không có chức năng chữa bệnh).

Xử phạt Công ty Cổ phần phát triển thảo dược Việt Nam vì quảng cáo TPCN Hamomax như “thần dược” - Hình 2

Sau khi bị xử phạt, website http://hamomax.vn đang trong trạng thái bảo trì, nâng cấp

Chưa kể trên trang http://hamomax.vn, cũng thường xuyên đăng tải thông tin sản phẩm dưới dạng bài viết như “Thảo dược vàng” xóa tan nỗi lo mỡ máu, huyết áp và biến chứng mạch vành, hay hình ảnh quảng cáo trên trang ghi mục TÌM TRÊN FACEBOOK Hamomax bước đột phá của khoa học xử lý tận gốc mỡ máu, mỡ gan, tăng huyết áp.

Thưc tế, theo giấy xác nhận công bố hợp quy, sản phẩm này có tên đầy đủ là Thực phẩm chức năng viên nang Hamomax có tác dụng giúp: Giảm mỡ trong máu – Giảm mỡ trong gan - Tăng tính bền thành mạch máu.

Đồng thời, khẳng định sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Điều này, trái ngược hoàn toàn với những quảng cáo mà trang website http://hamomax.vn khẳng định.

Theo xác nhận công bố quảng cáo, sản phẩm này chỉ được phép quảng cáo trên đài phát thanh cùng ma - ket đính kèm đã được duyệt. Tuy nhiên sản phẩm này hiện vẫn đang được quảng cáo trên nhiều hình thức khác nhau như các trang website, fanpage facebook,…

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đã quy định rất rõ, khi tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nhằm giúp người tiêu dùng tránh bị nhầm lẫn.

Ngoài ra, tại Điều 3 - Thông tư 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế cũng có ghi rõ một trong các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm là "Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như ­ thuốc chữa bệnh". 

 Hưng Khánh