THCL - Việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tính mạng…
Cơ quan chức năng tiếp nhận lao động trái phép được trao trả
Tiềm ẩn rủi ro
Sau Tết Nguyên đán và vào thời điểm nông nhàn, một số người không có việc làm, trong khi phía Trung Quốc có nhu cầu tuyển dụng LĐ cho các gia đình và DN tư nhân nên nhiều người một số tỉnh đã tìm cách xuất cảnh trái phép sang nước này. Do thiếu hiểu biết thông tin, không ít người đã tự chuốc họa vào thân.
Họ thường đi theo đường tiểu ngạch, qua biên giới rồi vào sâu nội địa Trung Quốc, đến các cơ sở sản xuất, tìm việc làm. Một số trường hợp, xuất cảnh bằng giấy thông hành hoặc hộ chiếu có dán VISA du lịch với thời hạn 1 tháng, nhưng đã trốn ở lại...
Các trường hợp lao động “chui” đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, bị dụ dỗ bởi người nhà, người quen đã từng làm việc bên Trung Quốc hoặc thông qua môi giới.
Theo kết quả khảo sát, phần lớn số di cư trái phép đều là LĐ phổ thông, trình độ văn hóa thấp; hợp đồng LĐ giữa họ với phía chủ thường không được ký kết, chỉ là thỏa thuận miệng về mức lương và điều kiện làm việc. Chính vì vậy, người LĐ luôn phải đối mặt với nguy cơ rủi ro như làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại; nhiều LĐ không nhận được mức lương như thỏa thuận, bị quỵt lương, quản lý chặt chẽ, đối xử ngược đãi, thậm chí bị cưỡng bức, bị tai nạn lao động dẫn tới tử vong, nhưng không nhận được sự hỗ trợ (trái phép nên không được pháp luật bảo vệ).
Anh Phùng Văn Khánh, thôn Tô Xã, xã Quảng Phường (Quảng Trạch, Quảng Bình) ngậm ngùi: “Đang không có việc làm, nghe mọi người rủ sang Trung Quốc làm cho một DN, vợ chồng tôi cũng đi theo. Chúng tôi bắt xe lên Lạng Sơn, qua đường đồi sang đến Bằng Tường (Trung Quốc) thì bị công an bắt do nhập cảnh trái phép. Tôi bị giam giữ cùng mấy trăm người khác, bị đưa đi chặt cây cực khổ vô cùng. Một số người còn bị đánh đập, trong đó có cả vợ tôi. Bây giờ hiểu ra, quá sợ không dám đi nữa”.
Phức tạp – rối rắm
Ghi nhận của PV, những ngày đầu tháng 3, tại bộ phận làm thủ tục xuất nhập cảnh (XNC), Phòng Quản lý XNC (Công an Lạng Sơn), số lượng công dân đến làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc đông hơn so với trong năm, vì đang là thời điểm nông nhàn, bà con có nhu cầu đi du lịch, buôn bán, thăm thân, tìm việc làm tăng cao.
Tuy vậy, số LĐ xuất cảnh trái phép cũng diễn ra phức tạp.
Từ đầu tháng 3 đến nay, Phòng Quản lý XNC đã phối hợp với Đồn BP cửa khẩu quốc tế hữu nghị, tiếp nhận 114 công dân Việt Nam từ phía Trung Quốc trao trả.
Chỉ tính riêng ngày 17/3, tại cửa khẩu quốc tế hữu nghị Lạng Sơn, cơ quan chức năng đã tiếp nhận từ phía Trung Quốc 45 trường hợp công dân Việt Nam (cư trú tại Lạng Sơn, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị và Quảng Bình) xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, làm thuê. Do không có giấy tờ hợp pháp nên đã bị công an nước này bắt và giam giữ...
Thượng tá Lý Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng quản lý XNC (Công an Lạng Sơn) cho biết, tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc LĐ trên địa bàn Lạng Sơn vẫn diễn biến phức tạp. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, một số công dân vẫn bị những kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các đường dây đưa dẫn người sang Trung Quốc làm thuê trái phép.
Để ngăn chặn tình trạng này, đơn vị đã chú trọng công tác tham mưu, đẩy mạnh tuyên truyền; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy thông hành, hộ chiếu; triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa các hoạt động xuất cảnh trái phép qua các đường mòn biên giới; phối hợp với bộ đội BP nắm tình hình, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện đấu tranh triệt xóa các đường dây tổ chức đưa dẫn người xuất cảnh trái phép.
Thượng tá Lý Anh Tuấn khuyến cáo, để tránh những hậu quả đáng tiếc, khi ra nước ngoài làm thuê, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về DN có nhu cầu tuyển dụng LĐ, địa chỉ rõ ràng, quyền lợi cụ thể… Trước khi đi, phải đăng ký làm thủ tục xuất cảnh hợp pháp.
Nguyễn Kiên