Cá tra là một trong hai mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam và cũng ghi nhận được khá nhiều thành tựu XK trước đó, nhưng đến nay, cá tra lại đang rơi vào thế khó. Giá cá tra có thời điểm chạm đáy khiến cho người nuôi thua lỗ nặng.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin: Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 11 tiếp tục đứng giá ở mức thấp, dao động trong khoảng 20.000-20.500 đồng/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại dao động 19.000-19.700 đồng/kg.
Mức giá này giảm khoảng 5.000-8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường giao dịch chậm, các công ty chủ yếu thu hoạch cá trong vùng nuôi của DN và thu mua theo hợp đồng liên kết với các hộ nuôi cá.
Theo các chuyên gia, giá cá tra giảm sâu là do diện tích nuôi cá tra “phình to” đẩy nguồn cung tăng mạnh trong khi các thị trường nhập khẩu lại đang siết chặt. Đặc biệt, hai thị trường nhập sản lượng cá tra của Việt Nam lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc thì đang chững lại.
Xuất khẩu cá tra đạt 1,64 tỷ USD trong 10 tháng, giảm nhẹ so cùng kỳ
Tính đến hết tháng 10, tổng giá trị XK cá tra đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018. Theo dự báo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kim ngạch XK cá tra năm 2019 đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2018.
Tuy nhiên, ngày 31/10, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam XK sang Mỹ. Điều này khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, ATTP chuỗi sản xuất, chế biến XK cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường XK.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã được bổ sung thêm DN đăng ký XK cá tra vào Mỹ (hiện nay là 13 DN) và quan trọng hơn là tạo niềm tin cho nhà NK Mỹ yên tâm NK. Điều này giúp gia tăng sản lượng, giá trị XK cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019.
Ngọc Linh