Năm 2020 dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi và thiên tai lũ lụt, song ngành chăn nuôi vẫn giữ được nhịp tăng trưởng. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), sản lượng thịt tăng 4,8%; sản lượng sữa tươi đạt 1,09 triệu tấn, tăng 10,2%; sản lượng thịt trâu hơi tăng 1,6% so với năm 2019.

Tổng đàn gia cầm khoảng 510 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi đạt trên 1,42 triệu tấn, tăng khoảng 9,2%; trứng đạt 14,5 tỷ quả, tăng khoảng 9,5% so với năm 2019. Đàn lợn năm 2020 cũng phục hồi, đẩy sản lượng thịt lợn hơi lên 3,46 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2019.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo của Cục Chăn nuôi cũng cũng nêu rõ, năm 2020 sản phẩm chăn nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. Theo đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 1,23 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2015 (giá trị xuất khẩu đạt khoảng 620 triệu USD). Đây cũng là năm đầu tiên ngành chăn nuôi đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, diễn biến những tháng đầu năm 2021 cho thấy ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp để đảm bảo ổn định chăn nuôi. Theo đó, giá bán các sản phẩm chăn nuôi giảm, giá thức ăn chăn nuôi liên tục được các công ty tăng khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều người chăn nuôi gia cầm lỗ nặng vì giá bán dưới giá thành sản xuất.

Trong 5 tháng đầu năm, thức ăn chăn nuôi đã 7 lần tăng giá. Giá nguyên liệu TACN đã tăng bình quân 20 - 30%, cá biệt có những loại nguyên liệu như ngô tăng tới 40%, đậu tương tăng 41%. Một trong những nguyên nhân khiến giá nguyên liệu TACN tăng cao là do dịch Covid-19 đã tác động đến thị trường nông sản toàn thế giới, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc vận chuyển khó khăn do tình trạng thiếu container. Trong khi đó, do các doanh nghiệp thường mua nguyên liệu cho sản xuất từ 3-4 tháng tiếp theo nên giá bán lẻ thức ăn chăn nuôi thường có độ trễ hơn so với giá nguyên liệu. Hơn nữa, tùy vào tình hình kinh doanh và chiến lược của mình, các nhà máy sản xuất sẽ có mức độ tăng giá khác nhau tùy vào thời điểm chứ không tăng đột ngột như giá nguyên liệu đầu vào.

Cục Chăn nuôi dự báo, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao trong quý 2-2021, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021. Vì vậy, nhiều khả năng giá TACN thành phẩm sẽ còn tăng khoảng 5 - 10% (tương 500 - 1.000 đồng/kg) trước khi ổn định trở lại hoặc giảm xuống.

Ngọc Khánh