Giá liên tục tăng

Đầu tháng 3/2021, các công ty sản xuất TACN đồng loạt gửi thông báo tăng giá đến khách hàng với mức tăng 300 - 400 đồng/kg, cá biệt có công ty tăng giá đến 600 - 800 đồng/kg. Như vậy, đã có đến 5-6 đợt tăng giá kể từ tháng 10/2020 đến nay, với mức tăng từ 17-30% so với trước.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Cùng với các hộ chăn nuôi chịu tác động trực tiếp của tăng giá TACN là các doanh nghiệp (DN) sản xuất TACN, hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu. Đặc biệt, hiện nhiều DN cho biết không thể mua nguyên liệu theo quý, năm như trước mà chỉ mua theo tháng.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh thời gian qua do các yếu tố mất mùa và nhất là Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu với số lượng kỷ lục dẫn đến giá tăng trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng để vận chuyển hàng hóa cũng làm giá nguyên liệu về đến Việt Nam tăng lên.

80% nguyên liệu nhập khẩu

Theo số liệu của Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 1/2021, nhập khẩu nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông sản cũng tăng rất mạnh. Cụ thể, lúa mỳ đạt 100 triệu USD, tăng 23,4%; nhập khẩu ngô tăng kỷ lục 93,2%, trị giá 283 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 400 triệu USD, tăng 80%...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu TACN của Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 800 triệu USD, tăng 16,98% so với năm 2019. Tuy nhiên, nếu so mức xuất khẩu với mức nhập khẩu hàng năm của mặt hàng này, giá trị xuất khẩu hiện chỉ chiếm tỷ trọng gần 1/5 nhập khẩu. Tính chung cả năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và TACN đạt 3,84 tỷ USD, tăng 3,75% so với một năm trước đó.

Nhìn một cách tổng thể, dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở Top đầu thế giới, song ngành sản xuất TACN nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân là do các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn như ngũ cốc, đậu tương, khô dầu các loại, phụ gia... hiện Việt Nam sản xuất không đủ hoặc giá thành quá cao so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Trong khi mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 2,8 tỷ USD thì lại cần nhập tới trên 15 triệu tấn nguyên liệu sản xuất TACN, trị giá gần 3,8 tỷ USD, như vậy giá trị nhập siêu riêng lĩnh vực lương thực đã lên tới khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra ngày 12/3, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết: Thị trường khu vực Mỹ La tinh tiềm năng về nguồn nguyên liệu, kể cả mặt hàng nông sản. Năm 2020, chúng ta đã nhập khẩu từ 2 nước chính là Brazil và Argentina như ngô và thức ăn gia súc. Trong đó, nhập khẩu ngô từ Brazil là 584 triệu USD; thức ăn gia súc là 391 triệu USD. Nhập khẩu 2 loại này từ Argentina là 1,5 tỷ USD. Điều này cho thấy khả năng cung cấp của thị trường này tương đối lớn.

"Thời gian qua, các nguyên liệu nói chung, kể cả nguyên liệu nông sản có tính chất biến động mạnh trên thị trường, không thể dự đoán được chính xác giá cả nguyên liệu, thức ăn gia súc sẽ giảm bao nhiêu, trong thời gian bao lâu. Trên tinh thần chung, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, DN cần tính toán, cân nhắc kỹ các yếu tố tác động đến thị trường nguyên liệu, khả năng huy động vốn và khả năng lưu trữ để quyết định việc có nên gia tăng nhập khẩu nguyên liệu trong thời điểm này hay không" - ông Trần Thanh Hải khuyến nghị.

Nguyễn Hạnh