THCL Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch XK thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2015 giảm hơn 20% so cùng kỳ năm 2014, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Thực trạng trên là thách thức lớn so với mục tiêu XK thủy sản đạt kim ngạch 8 tỷ USD trong năm 2015.
XK giảm 20,6%
Kim ngạch XK thủy sản 3 tháng đầu năm 2015 đạt 1,27 tỷ USD, giảm 20,6% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, 2 mặt hàng XK chủ lực là tôm và cá tra đều giảm lần lượt 30% và 10,4%.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ tính riêng thị trường Hoa Kỳ, do ảnh hưởng của việc chống bán phá giá đã khiến giá trị XK quý I/2015 giảm tới 44%.
Tại một số thị trường quan trọng như châu Âu cũng giảm mạnh (do ảnh hưởng của đồng Yên và Euro giảm giá so với USD khiến giá trị XK của các DN chịu thiệt khi quy đổi sang USD).
XK thủy sản sang thị trường Nga vẫn chưa thể hồi phục: Năm 2014, XK đạt 106 triệu USD, tăng chưa tới 1% so với năm 2013. Trong 3 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị XK thủy sản sang Nga chỉ đạt 12,7 triệu USD, giảm 11% so cùng kỳ năm trước.
Cả nước hiện có 621 nhà máy chế biến thủy sản, tuy nhiên mới chỉ có 23 nhà máy được XK sang thị trường Nga. Do thị trường Nga thường mua hàng với số lượng lớn, thời gian thanh toán lại kéo dài, cự ly vận chuyển xa… khiến chi phí vận tải cao. Do đó, các DN thường xuyên bị nợ đọng lớn.
Việc XK giảm đã kéo theo giá tôm, cá tra ở ĐBSCL giảm mạnh. Giá cá tra ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… cũng liên tục giảm từ 22.000 - 22.800 đồng/1kg. Với giá bán như hiện nay, hầu hết người nuôi tôm và cá tra đều đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Những nỗ lực
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, giữa năm là lúc XK các mặt hàng thủy sản tăng mạnh và sẽ đạt đỉnh vào cuối năm. Vấn đề hiện tại là tìm giải pháp giữ vững thị trường truyền thống, đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường mới, thị trường tiềm năng… nhằm chờ thời cơ bứt phá.
“Do thị trường XK thủy sản truyền thống như Nhật Bản, Mỹ gặp nhiều khó khăn nên các DN chế biến thủy sản đang chuyển hướng sang tìm đối tác và thị trường XK mới như Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, một số nước Ả Rập… Thông qua VASEP. Tổng cục Thủy sản và các tham tán thương mại, các DN đang nỗ lực tìm hiểu thêm đối tác, phương thức thanh toán, quảng bá thương hiệu và chất lượng sản phẩm tiếp cận thị trường để giao dịch”, ông Điền nhấn mạnh.
Hiện tại, thị trường Hàn Quốc được đánh giá giàu tiềm năng và không quá khắt khe về kỹ thuật; thị trường các nước Ả Rập tuy mới thâm nhập những lô hàng đầu tiên, nhưng được đánh giá tiềm năng rất cao nên các nhà sản xuất đang gia tăng công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm đến đối tác để thâm nhập sâu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, các DN cũng đang rà soát lại từng khâu quản lý trong dây chuyền, triệt để thực hiện tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu, liên kết với DN cùng ngành nghề thực hiện chương trình tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn chặt quyền lợi giữa các nhà để dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu.
Cũng theo ông Điền, đối với nuôi trồng thủy sản, cần triển khai việc quy hoạch nghề nuôi, chế biến và XK cá tra, tôm một cách hợp lý theo tình hình mới. Quan điểm chung là giảm số lượng, tăng chất lượng, đẩy mạnh sản xuất theo mô hình VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường thế giới. Cần theo dõi chặt thời tiết diễn biến thất thường dẫn đến tình trạng tôm chết xuất hiện nhiều nơi ở ĐBSCL. Vì vậy, phải tìm giải pháp hạn chế thấp nhất dịch bệnh gây thiệt hại cho tôm nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và XK.
Tuấn Ngọc