THCL Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm 9 tháng năm 2016 đạt 2,2 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến đến hết năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ đạt 3,1 tỷ USD.
Cụ thể, tính tới tháng 9/2016, tiêu thụ tôm của Việt Nam thuận lợi hơn so với năm trước do nhu cầu thị trường chính (Mỹ, EU) tăng trong khi nguồn cung giảm. Nhu cầu tôm đặc biệt là tôm sú ở Mỹ và Trung Quốc đang tăng mạnh trong bối cảnh sản lượng tôm sú tại Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia có thể giảm do bệnh đốm trắng tác động từ biến đổi khí hậu.
Tính tới tháng 9 năm nay, trong tổng xuất khẩu tôm Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu tôm chân trắng tăng 3% trong khi tỷ trọng xuất khẩu tôm sú và tôm biển giảm lần lượt 3% và 0,3%. Tôm chân trắng sống/ tươi/đông lạnh (HS 03) là sản phẩm xuất khẩu chiếm giá trị cao nhất của Việt Nam với trên 731 triệu USD.
Trong giai đoạn này, giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng của Việt Nam tăng 11% trong khi xuất khẩu các sản phẩm tôm sú giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sú giảm có thể do vấn đề nguồn cung. Trong tổng xuất khẩu tôm, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến (HS 16) tăng tốt nhất 13% trong khi giá trị xuất khẩu tôm biển giảm mạnh nhất 63% tuy nhiên chỉ chiếm giá trị nhỏ.
Do thời gian nuôi ngắn, năng suất đạt khá, giá bán ổn định nên nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng tăng mạnh hơn so với tôm sú. Ước 9 tháng đầu năm nay, diện tích tôm chân trắng đạt 80 nghìn ha; tăng 6,3% và sản lượng đạt 200 nghìn tấn; tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích tôm sú 9 tháng đầu năm nay ước đạt 594 nghìn ha; tăng 0,5% và sản lượng ước đạt 160 nghìn tấn; tăng 0,6%.
Xuất khẩu tôm trong tháng 9/2016 đạt 318,3 triệu USD; tăng 4,4% so với tháng 9/2015. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỷ USD; tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình xuất khẩu sang top 5 thị trường chính vẫn tăng trưởng khả quan trừ Nhật Bản giảm 4,2%. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tốt nhất với 30,3%; sang Mỹ, EU, Hàn Quốc tăng lần lượt 15,2%; 6,9% và 12,3%. Đối với các thị trường nhỏ hơn xuất khẩu đều giảm từ 0,5% - 27,6%.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, ở thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm chỉ giảm nhẹ 1,5% duy nhất trong tháng 6; các tháng còn lại đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2015. Kể từ tháng 4/2016, xuất khẩu tôm sang Mỹ liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước đó. Giá trị xuất khẩu trong tháng 9/2016 đạt cao nhất từ đầu năm với gần 85 triệu USD, tăng 9,4% so với tháng 9/2015. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 520,2 triệu USD; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Đối với thị trường EU tính đến hết tháng 9, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 431 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. xuất khẩu sang Anh và Hà Lan tăng lần lượt 8,2% và 31% trong khi xuất khẩu sang Đức giảm 3%. Anh tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với nhu cầu tôm nước ấm vẫn cao trong năm nay.
Mặc dù xuất khẩu tôm Việt Nam 9 tháng đầu năm vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương, các doanh nghiệp phải ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức như thuế CBPG tăng cao và yêu cầu chất lượng khắt khe từ các thị trường nhập khẩu chính. Dự kiến, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 3,1 tỷ USD; tăng 3,3% so với năm 2015.
Phan Chinh